Thứ hai, 27/09/2021 16:45 GMT+7

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà”

Ngày 25/9/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia: "Nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà", mã số ĐTĐL.CN-25/17 theo Quyết định số 1511/QĐ-BKHCN ngày 09/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.


TS. Triệu Thái Hưng thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu trước Hội đồng

 

Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ gồm có 09 thành viên do GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng; GS.TS. Trương Quang Hải, Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Bảo tồn đa dạng sinh học một cách bền vững luôn luôn là thách thức đối với
các Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ). Hiện tượng suy giảm diện tích rừng và suy thoái về chất lượng rừng vẫn diễn ra hàng ngày dù có rất nhiều giải pháp được nghiên cứu áp dụng. Nguyên nhân chính của tình trạng trên được xác định là do sức ép về kinh tế, như tác động của việc sử dụng tài nguyên không bền vững và nhu cầu mở rộng đất canh tác của cộng đồng địa phương sống trong khu vực. Mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên mặc dù được chứng minh là có hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn thiếu một cơ chế chính sách hợp lý để có thể huy động tổng hợp các nguồn lực hiện có đã hạn chế hiệu quả công tác bảo tồn. “Cơ chế” ở đây được hiểu như là cách tổ chức, quản lý, vận hành các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học một cách khoa học, phù hợp với chính sách của nhà nước và bối
cảnh cụ thể của địa phương, bao gồm điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa của các tộc người địa phương. Các cơ chế này cần được xây dựng dựa trên những kiến thức, hiểu biết về các đặc trưng/giá trị của cảnh quan, đa dạng sinh học và đặc điểm văn hóa. Việc xây dựng các cơ chế phải thông qua quá trình tham vấn với các thành phần liên hệ bằng các phương pháp có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các tộc người địa phương. Mặc dù sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ TNTN, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đã dần được pháp lý, được cụ thể trong nhiều văn bản chính sách, pháp luật khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa có một mô hình đồng quản lý (ĐQL) theo đúng nghĩa được áp dụng bài bản, đặc biệt không có ĐQL cho Khu DTSQ Cát Bà để chia sẻ trách nhiệm và lợi ích cho cộng đồng được tham gia vào sự nghiệp quản lý khai thác bền vững tài nguyên môi trường và bảo vệ biên giới biển, hải đảo và ven biển của đất nước. Vì vậy, việc “xây dựng mô hình cộng đồng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học Khu DTSQ quần đảo Cát Bà” để vận động cộng đồng địa phương tham gia với tư cách “chủ thể” không phải “khách thể” là một đòi hỏi khách quan, một nhu cầu thực tế ở nước ta hiện nay và trong tương lai. Do đó đề tàiNghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học Khu DTSQ quần đảo Cát Bà được Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt thực hiện. Đề tài do TS. Triệu Thái Hưng làm chủ nhiệm; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan chủ trì thực hiện từ tháng 09/2017 đến tháng 02/2021 với ba mục tiêu chính:

- Xác định được các cơ sở khoa học (lý luận và thực tiễn) và nguyên tắc trong việc xây dựng mô hình cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học;

- Đề xuất được các giải pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học trong Khu DTSQ quần đảo Cát Bà;

- Xây dựng và thử nghiệm mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý ĐDSH.

I. Kết quả đã đạt được của nhiệm vụ: 

Sản phẩm dạng II:

  1. Báo cáo kết quả xây dựng “Mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và chia sẻ lợi ích thông qua việc sử dụng LSNG từ rừng, thu hái và phát triển cây dược liệu bản địa”.
  2. Báo cáo kết quả xây dựng “Mô hình chia sẻ lợi ích sử dụng cảnh quan, cộng đồng tham gia bảo tồn, giám sát loài đặc hữu nguy cấp Voọc Cát Bà, động vật hoang dã kết hợp phát triển du lịch sinh thái có kiểm soát, nâng cao sinh kế cho người dân”.
  3. Báo cáo kết quả xây dựng “Mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng và khai thác thuỷ, hải sản bền vững, cải thiện sinh kế cộng đồng”.
  4. Báo cáo cơ sở khoa học, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về xây dựng các mô hình cộng đồng người dân địa phương tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học.
  5. Báo cáo đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm bảo tồn, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với sự tham gia của cộng đồng phụ vụ phát triển bền vững khu DTSQ quần đảo Cát Bà.
  6. Bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, kinh tế - xã hội khu DTSQ quần đảo Cát Bà.
  7. Bộ cơ sở dữ liệu về xây dựng mô hình cộng đồng người dân địa phương tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học.
  8. Bản đồ phân bố loài tỷ lệ 1:100.000 (và 01 bản đồ tỷ lệ 1:50.000).
  9. Chương trình quản lý cơ sở dữ liệu (webGis) về ĐDSH, kinh tế - xã hội Khu  DTSQ quần đảo Cát Bà
  10. Tài liệu tập huấn xây dựng, quản lý và vận hành mô hình công đồng tham gia bảo tồn và sử dụng hơp lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học
  11. Bài báo khoa học trong nước: 04 bài (trong đó: 01 NN&PTNT; 02 bài đăng trên tạp chí KHLN; 01 bài đăng trên tạp chí khoa học và công nghệ lâm nghiệp).
  12. Bài báo khoa học quốc tế: 02 bài.
  13. Sổ tay hướng dẫn xây dựng mô hình cộng đồng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học
  14. Tham gia đào tạo: 03 Thạc sĩ.
  15. Tham gia đào tạo: 02 Tiến sĩ.
  16. Báo cáo tổng hợp.
  17. Báo cáo tóm tắt.
  18. Át lát thực vật khu DTSQ quần đảo Cát Bà
  19. Bản đồ kinh tế xã hội; Bản đồ điểm và tuyến du lịch; Bản đồ hệ thống tuyến và hệ thống ÔTC phân bố rừng ngập mặn. (04 bản đồ x 2 tỷ lệ).



Cơ sở dữ liệu được quản trị trên nền WebGis và Atlat thực vật khu DTSQ Cát Bà

 

II. Danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao:

Số TT

Tên sản phẩm

Thời gian
dự kiến
ứng dụng

Cơ quan
dự kiến
ứng dụng

Ghi chú

1

Mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và chia sẻ lợi ích thông qua việc sử dụng lâm sản ngoài gỗ từ rừng, thu hái và phát triển cây dược liệu bản địa

2021

Vườn Quốc gia Cát Bà

 

2

Mô hình chia sẻ lợi ích sử dụng cảnh quan, cộng đồng tham gia bảo tồn, giám sát loài đặc hữu nguy cấp Voọc Cát Bà, động vật hoang dã kết hợp phát triển du lịch sinh thái có kiểm soát, nâng cao sinh kế cho người dân

2021

Vườn Quốc gia Cát Bà

 

3

Mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng và khai thác thuỷ, hải sản bền vững, cải thiện sinh kế cộng đồng

2021

Vườn Quốc gia Cát Bà

 

4

Chương trình quản lý cơ sở dữ liệu về ĐDSH, kinh tế - xã hội khu   DTSQ quần đảo Cát Bà

2021

Vườn Quốc gia Cát Bà

 

 

III. Về những đóng góp mới của nhiệm vụ:

Các kết quả nghiên cứu của đề tài có những đóng góp mới về mặt lý luận khoa học và thực tiễn nhằm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn ĐDSH với sinh kế bền vững và phát triển KT-XH ở khu DTSQ quần đảo Cát Bà và các khu vực khác có đặc điểm tương đồng. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào đồng quản lý, chia sẻ lợi ích ở khu DTSQ để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay là "Bảo tồn để phát triển" và "Phát triển phục vụ bảo tồn".

Kết quả điều tra, khảo sát của đề tài đã chứng minh khu DTSQ quần đảo Cát Bà, với đặc trưng của hệ sinh thái núi đá vôi và biển đảo, có tính ĐDSH cao về số lượng loài và các loài quý hiếm, trong đó có nhiều loài đặc hữu của khu vực; đưa ra được danh mục 6.310 loài thực vật và sinh vật sống trên cạn và dưới biển, bao gồm 1.643 loài thực vật, 2.530 loài sinh vật trên cạn và 2.137 loài sinh vật dưới biển. Đã khẳng định được mức độ đa dạng cao về các hệ sinh thái, bao gồm 7 hệ sinh thái trên cạn và dưới biển với 17 trạng thái.

Đã xây dựng được bộ nguyên tắc, tiêu chí và các chỉ số để xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên tại khu DTSQ quần đảo Cát Bà. Các nguyên tắc được xây dựng dựa trên 3 chức năng năng chính và 7 tiêu chí của các khu DTSQ thế giới. Kết quả đã xác định được 7 nguyên tắc, 26 tiêu chí và 116 chỉ số áp dụng cho việc xây dựng mô hình cộng đồng ở khu DTSQ quần đảo Cát Bà.

03 mô hình thí điểm của đề tài được xây dựng theo một khung lý thuyết chung và áp dụng trong thực tiễn dựa trên các luận cứ khoa học, các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và đặc trưng cộng đồng nhằm bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý các giá trị từ hệ sinh thái rừng trên cạn (lâm sản ngoài gỗ), rừng ngập mặn, nuôi trồng hải sản, cảnh quan môi trường, động vật hoang dã và du lịch sinh thái kết hợp với phát triển sinh kế của cộng đồng khu DTSQ quần đảo Cát Bà.

Ứng dụng được bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các mô hình cộng đồng tham quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn ĐDSH có cơ sở khoa học và thực tiễn để áp dụng đánh giá tính bền vững của các hệ sinh thái, nguồn tài nguyên  từ đó đề xuất hướng cải tạo và khắc phục những nhược điểm của các mô hình bảo tồn ĐDSH dựa vào cộng đồng đã có.

Kết quả đạt được của đề tài, đặc biệt là các mô hình thực tế sinh động, hợp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, quản lý vận hành sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình ,mặt khác có thể là cơ sở cho việc cải tiến để áp dụng rộng rãi cho các khu DTSQ  khác trong cả nước.

Hệ thống các chính sách được đề xuất là kết quả quan trọng để các cơ quan quản lý tham khảo trong việc hoạch định chính sách bảo tồn các giá trị di sản thế giới.

Kết quả của đề tài cũng là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho các trường đại học, các cơ sở giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao  nhận thức, kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực thực tiễn về quản lý tổng hợp, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị ĐDSH ở các lãnh thổ đặc thù nơi có các khu DTSQ, rừng đặc dụng và khu bảo tồn biển trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam

IV. Về hiệu quả về kinh tế và xã hội của nhiệm vụ:

3.1. Hiệu quả kinh tế

Mô hình thí điểm của đề tài đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế cộng đồng và địa phương, đồng thời tăng cường khả năng bảo tồn ĐDSH trong hệ sinh thái khu DTSQ quần đảo Cát Bà nói riêng và Việt Nam nói chung.

Một số sản phẩm mô hình cộng đồng tham gia quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên bảo tồn ĐDSH ở khu DTSQ quần đảo Cát Bà đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp muốn đầu tư để cùng phát triển sản phẩm.

3.2. Hiệu quả xã hội

Sản phẩm của đề tài làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên bảo tồn ĐDSH. Góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư sinh sống trong và ngoài khu DTSQ quần đảo Cát Bà; tăng cường khai thác hợp lý giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái trong khu vực, đồng thời giảm thiểu các xung đột/mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo tồn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm, tập thể tác giả và Cơ quan chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học; Về số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu nhiệm vụ. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài ở mức đạt. Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 2019

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)