Thứ năm, 07/10/2021 08:22 GMT+7

IAEA và FAO trao giải thưởng cho hai nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Cuộc thi về nghiên cứu đột biến giống cây trồng

Hai nhà khoa học Việt Nam đã được nhận giải thưởng của FAO và IAEA là TS. Võ Thị Minh Tuyển với giải thưởng “Phụ nữ tham gia nghiên cứu, tạo giống cây trồng đột biến” và ThS. Nguyễn Văn Mạnh với giải thưởng “Nhà khoa học trẻ”.

Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực nằm trong số những thách thức lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cấp bách nhằm cải thiện an ninh lương thực và tạo giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, các chuyên gia ở nhiều quốc gia đã và đang hướng đến kỹ thuật hạt nhân để phát triển các giống cây trồng mới.

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lần thứ 65 tổ chức vào cuối tháng 9/2021, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) và IAEA đã tổ chức Lễ Tổng kết Cuộc thi về nghiên cứu đột biến giống cây trồng, ghi nhận những đóng góp, thành tựu xuất sắc của 28 nhà khoa học và nhóm nghiên cứu đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ về chọn tạo giống cây trồng đột biến bằng kỹ thuật chiếu xạ trong nhiều năm qua. Trong số này có 11 giải thưởng cho hạng mục “Thành tựu xuất sắc”, 10 giải thưởng “Phụ nữ tham gia nghiên cứu, tạo giống cây trồng đột biến” và 07 giải thưởng “Nhà khoa học trẻ”.

Ở lần trao giải này, có 02 nhà khoa học Việt Nam đã xuất sắc ghi tên mình vào danh sách nhận giải thưởng của FAO và IAEA là: TS. Võ Thị Minh Tuyển với giải thưởng “Phụ nữ tham gia nghiên cứu, tạo giống cây trồng đột biến” và ThS. Nguyễn Văn Mạnh nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ”. Cả hai nhà khoa học hiện đang công tác tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Các giải thưởng mà Việt Nam đạt được lần này cũng là sự ghi nhận các đóng góp của IAEA cho hoạt động tạo giống bằng đột biến phóng xạ của Việt Nam trong những năm vừa qua. Tại Lễ trao giải, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Áo, Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA Nguyễn Trung Kiên đã vinh dự thay mặt cho 02 nhà khoa học trẻ Việt Nam nhận giải thưởng.
 

TS Võ Thị Minh Tuyển - Trưởng bộ môn Đột biến & ưu thế lai thuộc Viện Di truyền nông nghiệp,  một trong hai nhà khoa học Việt Nam được nhận giải thưởng.
 

Tại Lễ trao giải, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đánh giá cao hoạt động tích cực và hiệu quả của Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vào phát triển nông nghiệp, coi Việt Nam là một trong những điểm sáng ở khu vực về lĩnh vực này. Ông khẳng định "Điều chúng tôi muốn tôn vinh là trí tuệ con người và tinh thần cống hiến hết mình cho khoa học để giải quyết những thách thức lớn của nhân loại”.
 

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi trao giải cho các nhà khoa học.
 

Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu cho biết “Tạo giống đột biến đã tác động tích cực đến an ninh lương thực ở các vùng, quốc gia và khu vực, đảm bảo cho việc canh tác cây trồng ổn định hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu, ổn định sinh kế của nông dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trong khuôn khổ hợp tác giữa IAEA và FAO, các chuyên gia trên toàn thế giới đang nhận được những trợ giúp về sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp để phát triển các giống cây trồng có các đặc tính như khả năng chịu hạn hán hoặc cao sản”.

Kể từ khi Giải thưởng Thành tựu xuất sắc được trao lần đầu tiên vào năm 2014 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm liên hợp IAEA-FAO về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và lương thực, IAEA và FAO thông qua Trung tâm đã tổ chức trao giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức thuộc các nước thành viên có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực đột biến tạo giống. Đến nay, các nhà nghiên cứu trên toàn cầu đã phát triển và đưa ra nhiều giống cây trồng cải tiến mới. Ông Qu Liang, Giám đốc Trung tâm cho biết, những phát triển này có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và khuyến khích Trung tâm khởi xướng một loạt giải thưởng mới, trong đó có một số giải thưởng để ghi nhận thành tựu của phụ nữ và các nhà khoa học trẻ.
 

Đột biến tạo giống bằng bức xạ là kỹ thuật được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam từ những năm 1970. Với sự giúp đỡ của IAEA, từ những năm 1980, thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, các cơ sở nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam (Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu hạt nhân và một số sở KH&CN) đã đẩy mạnh hướng nghiên cứu ứng dụng này. Nhiều giống đột biến phóng xạ đã được tạo ra với năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu được với các điều kiện môi trường khắc nghiệt như nhiễm mặn, chống chịu sâu bệnh. 

Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã tạo ra và đưa vào trong sản xuất 71 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ, trong đó chủ yếu là giống lúa còn lại là một số giống khác như đậu tương, ngô, hoa, táo, bạc hà (47 giống lúa, 13 giống đậu tương, 11 giống ngô, hoa, táo, bạc hà). Các giống lúa được chọn tạo bằng phương pháp đột biến phóng xạ tiêu biểu như giống DT10, DT11, DT13, DT33, A20, DT21, ĐV2, ĐCM1, Khang Dân đột biến, DT37, DT39, VND-95-20, VND-99-3, Tài Nguyên Đột Biến, Tám Thơm Đột Biến, P6ĐB, ST3ĐB , ĐB5, BQ, NPT3, NPT4, NPT5, TQ14, và QP-5 đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực đứng thứ hai trên thế giới. Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World’s Best Rice) năm 2019 tổ chức tại Philippines, giống lúa ST25 của Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua và các nhà khoa học đến từ tỉnh Sóc Trăng đã được vinh danh và nhận được cúp Gạo ngon nhất thế giới.

Theo đánh giá của IAEA năm 2014, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. Tại Đại hội đồng IAEA lần thứ 58 vào năm 2014, IAEA và FAO đã tổ chức trao giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức của các nước thanh viên đã có thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống phục vụ cho việc bảo đảm an ninh lương thực. Khi đó, Việt Nam đã được trao 03 giải thưởng, trong đó có Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TS. Trần Duy Quý; 02 giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh và 02 cá nhân của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng.

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1086

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)