Thứ năm, 14/10/2021 14:03 GMT+7

Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và những điều chỉnh tại Việt Nam

Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là mục tiêu phổ quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ). SDG là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 2021 được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đưa ra là “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn” (Standards for SDGs – Our shared vision for a better world). 

Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) là mục tiêu phổ quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên LHQ. SDG là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDG).

Các SDG dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. SDG toàn diện hơn so với MDG và bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu. Những mục tiêu này không chỉ bao gồm phát triển xã hội mà còn đề cập đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu thụ bền vững, hòa bình, công bằng… Các mục tiêu được kết nối với nhau và thành công trong một mục tiêu có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khác. 

Nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017), trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể.

Năm 2019, để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Ngày 25 tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và địa phương đến năm 2030.

Liên quan đến chính sách về tiêu chuẩn hóa, Nghị quyết số 136/NQ-CP đặt ra các mục tiêu như hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới để đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn Việt Nam và thông lệ quốc tế; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng và phát triển các công nghệ cao, công nghệ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc “bản địa hóa” các SDG tại Việt Nam thể hiện cụ thể như sau: SDG 1 toàn cầu là “No poverty”, SDG 1 Việt Nam là “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi”. Việt Nam có khả năng hoàn thành mục tiêu SDG 1 đúng hạn, thậm chí đối với một số mục tiêu cụ thể là trước thời hạn 2030. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giảm nghèo cho các hộ nghèo trong khi LHQ hướng tới giảm nghèo theo đầu người.

SDG 2 toàn cầu là “Zero hunger”, SDG 2 Việt Nam là “Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững”.Các mục tiêu toàn cầu tích hợp giới tính, nhóm dễ bị tổn thương và trẻ em nhưng các mục tiêu của Việt Nam tổng quát hơn.

Các mục tiêu phát triển bền vững.

SDG 3 toàn cầu là “Good health and well-being”, SDG 3 Việt Nam là “Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi”.Các mục tiêu quốc gia và quốc tế khá tương đồng.

SDG 4 toàn cầu là “Quality education”, SDG 4 Việt Nam khá tương đồng: “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”. Tuy nhiên, các kế hoạch giáo dục của Việt Nam vẫn chưa tập trung rõ vào việc tiếp cận toàn diện cho mọi đối tượng.

SDG 5 toàn cầu là “Gender equality”, SDG 5 Việt Nam khá tương đồng. Ngày 03 tháng 3 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

SDG 6 toàn cầu là “Clean water and sanitation”, SDG 6 Việt Nam khá tương đồng: “Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người”.

SDG 7 toàn cầu là “Affordable and clean energy”, SDG 7 Việt Nam là “Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người”.

SDG 8 toàn cầu là “Decent work and economic growth”, SDG 8 Việt Nam là “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người”.SDG 8 được thể hiện trong các kế hoạch của Chính phủ ở nhiều cấp độ.Tuy nhiên, cần nỗ lực nhiều hơn để đạt kết quả mong đợi.

SDG 9 toàn cầu là “Industry, innovation and infrastructure”, SDG 9 Việt Nam là “Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới”.

SDG 10 toàn cầu là “Reduced inequalities”, SDG 10 Việt Nam là “Giảm bất bình đẳng trong xã hội”. Mục tiêu quốc gia và quốc tế cơ bản tương đồng và khả thi.

SDG 11 toàn cầu là “Sustainable cities and communities”, SDG 11 Việt Nam là “Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng”. Mục tiêu quốc gia và quốc tế tương đồng nhưng cần nhiều nỗ lực để đạt được; dữ liệu về một số khía cạnh của các mục tiêu này chưa được thu thập như chất lượng nhà ở, các chỉ số liên quan đến giao thông công cộng.

SDG 12 toàn cầu là “Responsible consumption and production”, SDG 12 Việt Nam là “Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững”.Năm 2020, Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

SDG 13 toàn cầu là “Climate action”, SDG 13 Việt Nam là “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai”. Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể bởi biến đổi khí hậu và thiên tai; hiện đã có nhiều chính sách và chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng những thách thức này.

SDG 14 toàn cầu là “Life below water”, SDG 14 Việt Nam là “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững”.Hầu hết các mục tiêu cụ thể của SDG này đều được bao hàm trong các chính sách quốc gia của Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam có rất ít khu bảo tồn biển (10 khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam). Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó đến năm 2030 sẽ có thêm 12 khu bảo tồn biển mới.

SDG 15 toàn cầu là “Life on land”, SDG 15 Việt Nam là “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất”. Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định ở mức từ 42%; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; phục hồi 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ…

SDG 16 toàn cầu là “Peace, justice and strong institutions”, SDG 16 Việt Nam là “Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp”. Các mục tiêu cho SDG 16 đã được phản ánh tốt trong chính sách của Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp.

SDG 17 toàn cầu là “Partnerships for the goals”, SDG 17 Việt Nam là “Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững”. Việt Nam đã thúc đẩy các hệ thống thương mại đa phương và tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu với đất nước tương đối tốt.

Ủy ban Thống kê Liên hiệp quốc đã xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê để theo dõi và đánh giá việc thực hiện SDG và 230 chỉ tiêu của họ. Việt Nam đã xây dựng các khung pháp lý toàn diện để xây dựng các số liệu thống kê này, bao gồm Luật Thống kê Việt Nam 2015 và Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 20751

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)