Thứ hai, 18/10/2021 14:42 GMT+7

Cần nghiên cứu triển khai sớm mô hình “Buy – Ship – Pay” để hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới

Ngày 16/10/2021, trong chuỗi hoạt động của Techfest Vietnam 2021, Tọa đàm “Tương lai kinh tế số Việt Nam: Vai trò Thương mại điện tử sau Đại dịch Covid-19” theo hình thức trực tuyến đã được đồng tổ chức bởi 3 làng công nghệ Logistech, Fintech, Cybertech. Qua đó, mô hình “Buy-Ship-Pay” được đánh giá là mô hình tương lai của kinh tế số và cần nghiên cứu triển khai sớm.

Ảnh chụp màn hình buổi tọa đàm

Được gợi ý bởi Ban tổ chức Techfest Vietnam 2021, ba Làng công nghệ gồm Logistech, Fintech, Cybertech đã thảo luận để tìm ý tưởng tổ chức tọa đàm chung. Trong bối cảnh cả nước đang chịu tác động mạnh mẽ của của đại dịch Covid 19, ba Làng thống nhất ý tưởng liên kết các công nghệ liên quan để có thể giải quyết vấn kinh tế, xã hội chung nhằm thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam trong điều kiện bình thường mới. Sự kiện vinh hạnh được đón tiếp sự tham dự, phát biểu khai mạc và gợi ý tóm tắt các định hướng tiếp theo của Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng - Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN.

Thương mại điện tử nội địa B2C – tăng trưởng mạnh mẽ

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2021, doanh thu thương mại điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2016, con số này mới chỉ đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước. Báo cáo kinh tế internet khu vực Đông Nam Á 2020 của Google dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 34% so với năm 2020. Tại tọa đàm, đại diện sàn TMĐT Vỏ sò, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy dẫn các số liệu báo cáo kết hợp với quan sát thực tế, khẳng định Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn và sẽ tiếp tục tác động đến hành vi, tư duy của người tiêu dùng Việt trong tương lai theo hướng thích nghi với các giao dịch trực tuyến. Có thể nói triển vọng tăng trưởng liên tục với 2 con số là rất rõ với thương mại điện tử B2C hiện nay, tuy nhiên nó vẫn cần đầu tư rất lớn và cũng đang chứng kiến sự  cạnh tranh hết sức khốc liệt.

Thương mại điện tử B2B xuyên biên giới - tại sao không?

Là quốc gia có mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, Việt Nam đã và đang có nhiều biện pháp xúc tiến thương mại và đầu tư, đưa các doanh nghiệp/ sản phẩm/ thương hiệu Việt tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Anh Trung - Chuyên gia xúc tiến thương mại - cho biết trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường, cơ hội xuất khẩu sản phẩm, xây dựng thương hiệu Việt đồng thời cũng xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù vậy, các hoạt động đó còn gặp nhiều khó khăn, và cùng với tác động của Đại dịch Covid-19 thì hoạt động sản xuất, xuất khẩu đang bị đình trệ nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù đang khó khăn như vậy, theo số liệu từ tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 9 tháng đầu năm 2021 dự kiến đạt 483,2 tỉ USD, tăng mạnh 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý các hoạt động giao thương quốc tế hiện tại 99% vẫn bằng phương thức truyền thống giữa các doanh nghiệp, chưa có thống kê cụ thể về hình thức thương mại điện tử phục vụ xuất nhập khẩu. Trong khi đó, khái niệm thương mại điện tử xuyên biên giới (Cross-Border E-Commerce, CBEC) đã được thảo luận bởi giới chuyên gia trong hơn 5 năm qua như một xu hướng mới không thể đảo ngược. Các chuyên gia tại tọa đàm thống nhất rất cần áp dụng mô hình CBEC cho các doanh nghiệp thực hiện thương mại xuyên biên giới (B2B). Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt cũng như các FDI tại Việt Nam duy trì và/hoặc phát triển, thậm chí đột phá sau Đại dịch. Giả định nếu CBEC-B2B chiếm 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thôi thì đã có giá trị hơn 50 tỷ USD. Tuy nhiên, rất khác với B2C phục vụ người dùng cá nhân, phục vụ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với sự đa dạng về mặt hàng, quy trình, tiêu chuẩn, quan hệ kinh doanh, vị trí địa lý, hàng rào kỹ thuật, số lượng các bên tham gia, … thì việc áp dụng CBEC-B2B sẽ không hề đơn giản. Tuy vậy, các diễn giả đều có đồng nhất quan điểm rằng đây là cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy thương mại xuyên biên giới trong điều kiện bình thường mới.

Logistics cho thương mại điện tử (E-Logistics) – Những rào cản lớn

Diễn giả khách mời từ VNPost – công ty đang cung cấp dịch vụ logistics hỗ trợ TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện nay – Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Kinh doanh Bưu chính thương mại điện tử cho biết: “Dù nhu cầu liên tục tăng theo đà phát triển của TMĐT, ngoài các áp lực thông thường của cạnh tranh thì hai thách thức đáng lưu ý trong lĩnh vực này là (1) tỷ trọng ứng dụng công nghệ thông tin còn rất thấp – cả về mức độ phổ biến và độ chuyên sâu về nghiệp vụ; và (2) là chưa có hành lang pháp lý cho dịch vụ đang cung cấp”. Bà Mai Anh đề nghị xác định cụ thể khái niệm dịch vụ này là “e-logistics” và nhanh chóng có hành lang pháp lý cho loại hình mới mẻ đó. Trên thực tế, chất lượng dịch vụ và chi phí thực hiện các đơn hàng TMĐT phụ thuộc vào các yếu tố như trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, công nghệ ứng dụng để tạo năng lực của nhà cung cấp dịch vụ. Các cản trở về pháp lý sẽ dẫn tới hàng loạt các hạn chế khác, từ huy động vốn, đào tạo nhân lực, và cả ứng dụng công nghệ. Do đó, kiến nghị này rất đáng quan tâm. Chưa hết, nếu xét nhu cầu làm CBEC-B2B thì quy trình làm logistics và quản lý chuỗi cung ứng quốc tế còn phức tạp hơn nhiều. Ông Ôn Như Bình – Giám đốc Chiến lược kinh doanh – Công ty Teko Vietnam phân tích hiện trạng và các chuyên gia thống nhất nhận định trong điều kiện thiếu thông tin và nguồn lực để định hướng chiến lược công nghệ, xây dựng năng lực phát triển các nền tảng lớn, tích hợp đa nền tảng,… thì không có một lực lượng công nghệ độc lập nào hiện nay có thể cung cấp giải pháp đủ cạnh tranh trên trường quốc tế cho CBEC bao gồm phần e-logistics.

Hai mô hình chiến lược mới

Điểm nhấn quan trọng tại tọa đàm là phần đề dẫn nêu lên 8 nhân tố tạo lập Bình thường mới đối với TMĐT Việt Nam (hiểu theo nghĩa rộng của TMĐT) và hai mô hình chiến lược do ông Trần Chí Dũng – Trưởng Ban Công nghệ - Đổi mới Sáng tạo, Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, người điều phối chương trình – trình bày.

Mô hình số 1 là Mạng Cung ứng Số (Digital Supply Network, hay DSN) được chính thức phát biểu trong giới chuyên môn vào tháng Ba năm 2018, bởi Deloitte University Press – Hoa Kỳ, với khẳng định sự thay thế của nó cho mô hình Chuỗi cung ứng tuyến tính truyền thống (phát triển trong hai thập niên 2000 và 2010). Nhấn mạnh bằng chứng thực tế là tất cả các nhà quản trị chuỗi cung ứng giỏi nhất thị trường đều không giải quyết được bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng của họ do đại dịch Covid-19, chuyên gia cho rằng việc áp dụng nguyên lý mới phát triển từ 2018 sẽ là cách không thể thích hợp hơn vào lúc này.

Với Mô hình số 2, Ông Dũng dẫn thông tin từ Ủy ban Châu Âu của Liên hiệp quốc – UNECE – nêu mô hình “Buy – Ship – Pay” (Mua hàng – Vận chuyển – Thanh toán) theo thông lệ quốc tế và được đưa thành tiêu chuẩn bao gồm quy trình nghiệp vụ, dòng luân chuyển thông tin, các tương tác về dữ liệu. Theo UNECE, trước đó, ngay cả tại các nền kinh tế phát triển tại EU, việc không thống nhất mô hình nghiệp vụ, tên gọi, các luồng thông tin, dữ liệu, chứng từ, số lượng các bên liên quan kèm các trách nhiệm pháp lý của họ và đặc biệt là mỗi cụm chức năng lại có các giải pháp công nghệ riêng nên việc tích hợp siêu nền tảng như vậy cực kỳ khó khăn. Theo các chuyên gia thì chưa biết tới một giải pháp nào lồng ghép được ngay từ đầu 3 nền tảng TMĐT, Logistics, Thanh toán ứng dụng cho CBEC. UNECE nêu đó chính là lý do họ xây dựng “Buy-Ship-Pay” thành tiêu chuẩn và đã ban hành tháng 8/2019.

Kinh nghiệm Singapore và Quyết tâm của 3 Làng công nghệ

Thông tin về mô hình thành công tại Singapore với Buy-Ship-Pay cũng được ông Trần Chí Dũng chia sẻ, theo đó đã có một Tech Provider tại Singapore nhanh chóng vận dụng mô hình Buy-Ship-Pay lập cùng lúc 3 nền tảng kèm theo các Ứng dụng, đưa ra thị trường ngay trong năm 2020 và sau chưa đầy 12 tháng, họ đã có lượng giao dịch chiếm 16% tổng kim ngạch XNK Singapore đồng thời cung cấp giải pháp cho các nước đang phát triển khác, tại một số quốc gia, họ xử lý 100% lượng giao dịch XNK chính ngạch.

Trước những thông tin tích cực như vậy, ông Lê Anh Trung đề xuất xây dựng platform chung theo hướng này. Cùng với các trao đổi về khả năng xây dựng hệ sinh thái và các cấu trúc công nghệ (Ông Ôn Như Bình - Teko Vietnam), chuyên môn An ninh thông tin (TS. Lê Quang Minh - Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội), các phân tích chiến lược phát triển (Bà Nguyễn Hải Yến - trưởng làng Logistech), tọa đàm thống nhất nhận định 3 làng sẽ quyết tâm cùng nhau nghiên cứu xây dựng mô hình này trong thời gian tới.

Cơ hội lớn ở phía trước

Tham dự toàn bộ Tọa đàm, phát biểu khai mạc và nhận định khi tổng kết bế mạc, Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN đánh giá đây là các định hướng đúng đắn, xây dựng các platform chung là giải pháp hữu ích, tạo nền tảng cho các sáng tạo mới, cơ hội cho các bên cùng thắng (win-win-win). Ông cũng chia sẻ các mô hình “lean start-up” và “Open Innovation” để các bên tham khảo và đánh giá rằng các vấn đề nêu ra tại tọa đàm là có ý nghĩa với mọi doanh nghiệp, từ start-ups tới các SME, các doanh nghiệp lớn và tập đoàn./.

Nguồn: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

Lượt xem: 2323

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)