Toàn cảnh buổi nghiệm thu nhiệm vụ ĐM.40.DA/19
Sau một thời gian thực hiện, nhiệm vụ đã lập được bản đồ công nghệ IoT trong 9 lĩnh vực gồm: nông nghiệp, du lịch, đô thị thông minh, y tế, môi trường, công nghiệp… Đã có 06 bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành và xuất bản 01 cuốn sách về công nghệ IoT tại Việt Nam.
Nhiệm vụ đã góp phần cung cấp các thông tin cụ thể, chi tiết về hiện trạng công nghệ IoT của Việt Nam, khoảng cách của mỗi công nghệ so với thế giới cùng với đó là các phân tích về thực trạng và xu hướng phát triển của công nghệ, thị trường của thế giới.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện các nhiệm vụ của đề tài đặt ra, bao gồm điều tra và tổng hợp danh mục các công nghệ liên quan đến công nghệ IoT đang được sử dụng trong các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp. Điều tra và tổng hợp năng lực trình độ và khả năng ứng dụng công nghệ IoT tại các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất ở Việt Nam. Phân tích tổng hợp năng lực và hiện trạng công nghệ IoT ở Việt Nam trong các lĩnh vực. Báo cáo các vấn đề liên quan đến nhu cầu đổi mới công nghệ trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ IoT ở nước ta. Đề xuất chiến lược và lộ trình công nghệ, định hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ IoT đến năm 2030. Đây là thông tin quan trọng cho các cơ quan, tổ chức quản lý, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, các hiệp hội, cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực IoT.
Ông Nguyễn Xuân Hạ, thành viên chính của nhóm nghiên cứu cho biết: Nhiệm vụ đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, từ đó gia tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước trước thách thức toàn cầu hóa. Đồng thời giúp họ tận dụng được các cơ hội do IoT mang lại, cũng như giảm thiểu các rủi ro về đầu tư chệch hướng do thiếu thông tin và thiếu tính định hướng.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ đã góp phần đưa ra các giải pháp căn bản cho các vấn đề bức thiết trong đời sống xã hội như lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, quá tải đô thị. Hỗ trợ các nhà quản lý trong việc định hướng chiến lược phát triển ngành hay ra các quyết định đầu tư ứng dụng công nghệ IoT. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp thực thi các Chương trình quốc gia như Chương trình Phát triển thị trường KH&CN, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, góp phần định hướng cho các chương trình phát triển KH&CN trong giai đoạn tới cũng như nâng cao vai trò của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành công nghệ thông tin và truyền thông nói riêng.
Trong thời gian tới, nhóm thực hiện cho biết sẽ tiến hành áp dụng các kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ hiện nay đối với: Xây dựng chiến lược chính sách, nghị quyết cấp quốc gia có gắn kết với phát triển KH&CN, chiến lược phát triển KH&CN đến 2030; Lồng ghép vào trong các chiến lược phát triển ngành địa phương là cơ sở để xác định các nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phù hợp; Thực hiện việc quản lý các nhiệm vụ, dự án, chương trình KH&CN (Chương trình KC, các chương trình quốc gia Chiến lược nhập khẩu công nghệ….); Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ và thực hiện hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ một cách rõ ràng và hiệu quả.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm, tập thể nhóm nghiên cứu và Cơ quan chủ trì. Về số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu nhiệm vụ. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài ở mức đạt. Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN ra quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.