Thứ hai, 25/10/2021 22:56 GMT+7

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn loài Thạch sùng mí Cát Bà tại Vườn Quốc gia Cát Bà

Đây là tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố, được Hội đồng khoa học cấp thành phố đánh giá nghiệm thu chiều 22/10/2021 tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng.

Theo nghiên cứu, Thạch sùng mí Cát Bà là 01 trong 21 loài đặc hữu của đảo Cát Bà, có giá trị nổi bật, đặc trưng của hệ sinh thái núi đá vôi quần đảo Cát Bà. Tuy mới được phát hiện và mô tả dựa trên bộ mẫu chuẩn thu được từ đảo Cát Bà, Hải Phòng vào năm 2008 nhưng Thạch sùng mí Cát Bà đã nhanh chóng trở thành đối tượng bị săn bắt, buôn bán để làm sinh vật cảnh, được đưa vào Danh lục Đỏ IUCN (các loài cực kỳ nguy cấp trên thế giới) vào năm 2016. Từ khi được mô tả và công bố, Vườn Quốc gia Cát Bà chưa có những số liệu cụ thể về địa điểm phân bố, hiện trạng quần thể loài Thạch sùng mí Cát Bà, do vậy việc triển khai đề tài là cần thiết nhằm góp phần bảo tồn loài sinh vật này trong tương lai.

Nhóm tác giả đề tài đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh thái, sinh học, hiện trạng quần thể, các nhân tố đe dọa loài và sinh cảnh sống của loài Thạch sùng mí Cát Bà trên cơ sở thiết lập 15 tuyến điều tra, khảo sát trên các đảo lớn nhỏ thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà. Nghiên cứu cho thấy, Thạch sùng mí Cát bà phân bố chủ yếu ở độ cao ≤ 100m và sinh cảnh ưa thích là rừng thứ sinh nghèo thường xanh mưa ẩm trên núi đá vôi. Ước tính, mật độ quần thể Thạch sùng mí Cát Bà ở khu vực Trà Báu cao nhất (531 cá thể/km2), tiếp theo là các khu vực Áng Kê, khu vực rừng xung quanh trụ sở Vườn Quốc gia Cát Bà, khu vực Việt Hải, khu vực Giỏ Cùng và thấp nhất là khu vực Đầu Bê (28 cá thể/km2).



Nhóm nghiên cứu khảo sát loài Thạch sùng mí Cát Bà trong khuôn khổ đề tài

 

Với 525 mẫu cá thể Thạch sùng mí ghi nhận được, nhóm nghiên cứu nhận thấy, kích thước con đực trưởng thành thường lớn hơn con cái trưởng thành; các chỉ số đo hình thái khác ở con đực cũng lớn hơn so với con cái; trọng lượng con đực trưởng thành (đạt 16,39 ± 6,36g) lớn hơn con cái trưởng thành (đạt 15,38 ± 6,90g). Nhiệt độ trung bình tại các điểm ghi nhận Thạch sùng mí Cát Bà khoảng 19,2 - 32,40C; độ ẩm trung bình khoảng 63 - 96% tại các vách đá, hang hốc đá trong rừng trên núi đá vôi có chất lượng tốt, với độ che phủ cao khoảng 88,98 ± 21,50%.

Các mối đe dọa với loài Thạch sùng mí Cát Bà được nhóm nghiên cứu ghi nhận gồm: săn bắt, buôn bán và sử dụng, phát triển du lịch thiếu kiểm soát, phá hủy sinh cảnh, biến đổi khí hậu. Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn loài này với việc: đề xuất các địa điểm ưu tiên bảo tồn loài theo các tuyến khảo sát; các giải pháp về quản lý, cơ chế chính sách, tuần tra giám sát (sự quan tâm phối hợp của các ngành hữu quan, kiểm soát săn bắt và buôn bán, tuyên truyền giáo dục...); các giải pháp về nâng cao nhận thức, đề xuất các mô hình sinh kế cho cộng đồng dân cư với các đối tượng cán bộ quản lý, khách du lịch, người dân và học sinh; các giải pháp bảo tồn nguyên vị (bảo vệ sinh cảnh, bảo tồn quần thể, vùng cần ưu tiên bảo tồn) và các giải pháp bảo tồn chuyển vị (nhân nuôi sinh sản).

Với kết quả nghiên cứu này, đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá cao về tính khoa học, logic; số liệu phân tích, khảo sát có độ tin cậy cao; tuy nhiên cần làm rõ hơn các giải pháp giải quyết các mối nguy cơ, đe dọa loài hiện nay.

Nguồn: Sở KH&CN thành phố Hải Phòng

Lượt xem: 1459

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)