Thứ hai, 01/11/2021 16:10 GMT+7

Xu hướng nghiên cứu công nghệ hóa dầu

Hiện nay, nhu cầu của các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng có nguồn gốc từ dầu khí đang ngày càng gia tăng. Trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống từ đồ dùng thiết yếu đơn giản như bao bì, đồ nội ngoại thất, hàng may mặc, giày dép, cho đến những sản phẩm công nghệ cao như ô tô, máy bay, tàu thủy… đều là các sản phẩm bắt nguồn hoặc có liên quan đến công nghiệp hóa dầu. Để có được cái nhìn tổng quan về xu hướng nghiên cứu công nghệ hóa dầu trên thế giới và tại Việt Nam, thông tin từ các bằng sáng chế trong lĩnh vực này sẽ được tổng hợp và phân tích như ở dưới đây.

Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ hóa dầu trên thế giới

 

Hình 1. Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ hóa dầu (2001 – 2020)

Nguồn: Derwent Innovation

Thông qua phân tích số liệu về số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố về công nghệ hóa dầu trên thế giới trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2020, có thể nhận thấy số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố có tăng, có giảm theo từng năm nhưng xu hướng chung là tăng dần theo thời gian. Khi khảo sát lượng đơn đăng ký sáng chế qua các năm, có thể thấy rõ sự gia tăng số lượng sáng chế, cụ thể như sau: Năm 2002 có 1478 đơn đăng ký sáng chế được công bố và năm 2018 là năm có số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố cao nhất với 3158 đơn; và từ năm 2018 đến nay có xu hướng giảm nhẹ, đến năm 2020 có 3064 đơn đăng ký sáng chế được công bố.

Những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hóa dầu
 

Hình 2. Đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu tại các quốc gia trên thế giới

Nguồn: Derwent Innovation

Hình 2 cung cấp số liệu đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu tại các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ hóa dầu. Thông tin này phản ánh hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ này tại các quốc gia vì thông thường một công nghệ được nghiên cứu tại quốc gia nào sẽ được nộp đơn đăng ký sáng chế lần đầu tại quốc gia đó. Số liệu này cho thấy các quốc gia nổi bật trong hoạt động nghiên cứu công nghệ hóa dầu là: Hoa Kỳ có 15020 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu; Trung Quốc có 13098 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu; Nhật Bản có 6430 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu và Canada có 4162 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu. Có thể thấy rằng Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ hóa dầu.

Một trong những công ty tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và áp dụng công nghệ hóa dầu tại Hoa Kỳ là Công ty ExxonMobil Research & Engineering Co trực thuộc Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực công nghệ hóa dầu, công ty này sở hữu 1638 sáng chế tại 28 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó 5 quốc gia và khu vực mà công ty này nộp đơn chủ yếu là: Mỹ, Anh, Canada, Châu Âu và Úc.

Tuy nhiên công ty này chỉ đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng bằng sáng chế sở hữu, đứng đầu tiên là French Instiute of Petroleum thuộc Viện Dầu mỏ Pháp sở hữu 1860 sáng chế tại 35 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó 5 quốc gia và khu vực mà công ty này nộp đơn chủ yếu là: Pháp, Mỹ, Châu Âu, Nhật và Canada. Số liệu sáng chế của top 10 chủ sở hữu được minh họa trong Hình 3.
 

Hình 3. Những chủ sở hữu dẫn đầu trong công nghệ hóa dầu

Nguồn: Derwent Innovation

Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ hóa dầu tại Việt Nam

 

Hình 4. Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ hóa dầu tại Việt Nam (2010 – 2021)

Nguồn: Derwent Innovation

Theo dữ liệu của Derwent Innovation, Việt Nam mới chỉ ghi nhận công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ hóa dầu từ năm 2010 và từ đó đến 9/2021 có tổng 129 đơn đăng ký sáng chế thuộc lĩnh vực này được công bố và đạt đỉnh vào năm 2020 với 17 đơn đăng ký sáng chế được công bố. Năm 2010 cũng là năm đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành hóa dầu Việt Nam, khi nhà máy sản xuất nhựa Polypropylene (PP) nằm trong cụm công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất cho ra mẻ sản phẩm hạt nhựa PP đầu tiên. Đây cũng chính là sản phẩm hóa dầu đầu tiên của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
 

Hình 5. Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Nguồn: Tạp chí điện tử Petrotimes

Xu hướng phát triển công nghệ và sản phẩm hóa dầu ở Việt Nam là tạo ra các sản phẩm hóa dầu phục vụ nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế như nhựa đường, dầu nhờn, lưu huỳnh,  các chủng loại sản phẩm trung gian và thành phẩm hóa dầu mới, đồng thời chú trọng đến sản phẩm hóa dầu từ khí thiên nhiên là thế mạnh của Việt Nam. Hiện nay, các sản phẩm hóa dầu được sản xuất trong nước chủ yếu tại dây chuyền sản xuất nhựa PP tại Dung Quất với công suất 150 nghìn tấn/năm đảm bảo khoảng 30% nhu cầu trong nước, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ sản xuất benzene, xylene và propylene với tổng công suất khoảng 1,35 triệu tấn/năm; còn Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn sẽ sản xuất các olefin nhẹ khoảng 1,6 triệu tấn/năm. Theo nghiên cứu dự báo của Viện Dầu khí Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu của Việt Nam vào năm 2035 là khoảng 10 triệu tấn, trong đó các sản phẩm nhựa PE, PP, PVC, PET là những sản phẩm có mức tiêu thụ lớn nhất. Như vậy có thể thấy nhu cầu và tiềm năng phát triển của ngành hóa dầu tại Việt Nam là rất lớn và cần được quan tâm đầu tư phát triển.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu về về sáng chế và công nghệ hóa dầu xin vui lòng liên hệ với Trung tâm Thống kê dữ liệu và Phân tích sáng chế, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (số điện thoại: 024.3822.8875)./.

Tài liệu tham khảo

  1. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (2021), báo cáo chuỗi giá trị ngành hóa chất – tiêu dùng 2021.
  2. Hồ Sĩ Thoảng, Đặng Thanh Tùng, Tạ Hiền Trang (2019), Công nghiệp hóa dầu: xu thế trên thế giới và nhu cầu phát triển ở Việt Nam.
  3. Nguyễn Anh Đức (2018), Sản phẩm lọc hóa dầu là gì?
  4. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2021), Con đường phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm Thống kê dữ liệu và Phân tích sáng chế, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ

Lượt xem: 2471

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)