Thứ tư, 17/11/2021 12:40 GMT+7

Chuyên gia, giảng viên Đào Duy Dũng - tấm gương tận tâm với lĩnh vực NDT tại Việt Nam

Nhân dịp Kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2021), xin trân trọng gửi đến tập thể cán bộ Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE); Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNT VN) và quý vị độc giả bài viết về tấm gương mẫu mực, tận tâm trong lĩnh vực NDT của chuyên gia, giảng viên Đào Duy Dũng, Nguyên Bí thư Chi bộ, Nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm NDE trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Trung tâm.

Gần 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra không phá hủy (NDT) tại các đơn vị trực thuộc Viện NLNT Việt Nam và hơn 13 năm công tác tại Trung tâm NDE cho dù ở cương vị nào, chuyên gia, giảng viên Đào Duy Dũng luôn là người cán bộ mẫu mực, mẫn cán trong các hoạt động chuyên môn, với tình yêu nghề, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp xây dựng, đào tạo các cán bộ NDT trên cả nước, đặc biệt là cán bộ trẻ, kế cận của Trung tâm NDE và các cán bộ chủ chốt của các đơn vị, đối tác lâu năm, kể cả đơn vị quốc tế. Chuyên gia Đào Duy Dũng cũng là một Đảng viên, người cán bộ quản lý gương mẫu luôn tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp “Trồng Người” trong lĩnh vực đào tạo NDT.

Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, chuyên ngành Vật lý lò phản ứng hạt nhân năm 1983, Đào Duy Dũng về nhận công tác tại Viện 481 (tiền thân của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân sau này), tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, từ vật lý cơ bản đến ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong xây dựng và công nghiệp. Những năm 1990 đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp khi đồng chí tiếp cận và duy trì liên tục cho đến nay các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kiểm tra không phá hủy (NDT) trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam, từ xây dựng, dầu khí, giao thông, năng lượng, … cho đến công nghiệp đóng tàu.
 

Tư vấn; hướng dẫn cán bộ chuyên môn EVN GENCO 3 tại Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ

Năm 2008, chuyên gia Đào Duy Dũng được cấp trên giao Phụ trách Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Viện Khoa học và kỹ thuật Hạt nhân. Từ cuối năm 2008, với chủ trương của nhà nước về phát triển Điện hạt nhân, Trung tâm Đánh giá không phá hủy được thành lập trực thuộc Viện NLNT VN, đồng chí được tín nhiệm điều động về công tác tại Trung tâm NDE giữ cương vị Phó Giám đốc, phụ trách trực tiếp lĩnh vực NDT, cho đến tháng 11/2020, được cấp trên giao phụ trách Trung tâm. Cho dù ở bất kỳ cương vị nào, là người giảng viên trực tiếp đảm nhiệm công tác giảng dạy hay làm chuyên gia, tư vấn và cố vấn cho các đơn vị, đối tác và là cán bộ quản lý, đồng chí Đào Duy Dũng luôn thể hiện được vai trò, trách nhiệm, tâm huyết, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 

Giảng viên Đào Duy Dũng tham gia giảng dạy các khóa đào tạo NDT

Trên cương vị là người quản lý, lãnh đạo, đồng chí Đào Duy Dũng luôn trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, hết mình giúp đỡ đồng nghiệp vì sự phát triển chung của đơn vị, của ngành và lĩnh vực trên cả nước.

Nhân dịp hết thời hạn làm việc chính thức và nhận quyết định nghỉ hưu, Ban lãnh đạo Viện NLNT VN mà trực tiếp là Viện trưởng, TS Trần Chí Thành, Phó Viện Trưởng TS Trần Ngọc Toàn đã tới trao quyết định, chia sẻ những kỷ niệm, ghi nhận những đóng góp và kết quả làm việc trong gần 40 năm công tác, đặc biệt có những đóng góp lớn trong việc tạo dựng và phát triển lĩnh vực NDT tại Việt Nam.
 

Lãnh đạo Viện NLNT VN trao quà và hoa nhân dịp đồng chí Đào Duy Dũng nhận quyết định nghỉ hưu

Trong Lễ tri ân các thế hệ do Trung tâm tổ chức, một lần nữa đại diện các đơn vị, đối tác vừa là học trò và là cán bộ chủ chốt đã ôn lại những chặng đường cùng gắn bó, chia sẻ và cùng vì sự lớn mạnh của lĩnh vực NDT tại Việt Nam.
 

Chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo và cán bộ nhân viên Trung tâm trong Lễ tri ân

Với trình độ chuyên môn cao và mong muốn được đóng góp, cống hiến lâu dài cho tổ chức, hiện tại đồng chí vẫn tiếp tục thực hiện các công tác xây dựng chương trình; phát triển tài liệu đào tạo; trực tiếp trình bày giảng dạy các khóa học. Bên cạnh đó, đồng chí luôn sát cánh cùng cán bộ chủ chốt; Ban lãnh đạo trong việc xây dựng định hướng, hướng dẫn phát triển đội ngũ; phát triển nội dung nghiên cứu; phát triển và phê duyệt qui trình, kỹ thuật với các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng chí tiếp tục phát huy vai trò của một đảng viên, người lãnh đạo gương mẫu, người thầy - người giảng viên tài năng và tâm huyết./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1369

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)