Thứ năm, 18/11/2021 15:40 GMT+7

Khám phá mức độ đa dạng và cấu trúc quần xã của các loài bò sát và ếch nhái (Reptilia và Amphibia) ở vùng Tây Bắc Việt Nam

Đề tài đã sử dụng cách tiếp cận ở các cấp độ từ hệ sinh thái, loài đến phân tử, bao gồm: khám phá đa dạng các loài lưỡng cư và bò sát ở các hệ sinh thái rừng khác nhau (rừng trên núi đất và rừng trên núi đá vôi), đánh giá cấu trúc thành phần loài theo không gian phân bố và so sánh mối quan hệ di truyền dựa trên kết quả phân tích sinh học phân tử.

Đề tài trên được nhóm tác giả do TS. Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và TNSV làm chủ nhiệm được thực hiện với các mục tiêu, bao gồm:

- Cung cấp dẫn liệu đầy đủ và cập nhật về khu hệ bò sát và ếch nhái của một số khu bảo tồn được lựa chọn ở vùng Tây Bắc, kể cả việc phát hiện các loài mới cho khoa học, các ghi nhận mới về bò sát và ếch nhái dựa trên phân tích đặc điểm hình thái và sinh học phân tử.

- Đánh giá đặc điểm cấu trúc quần xã dựa trên thông tin về thành phần loài, phân bố và quan hệ địa lý động vật của khu hệ bò sát và ếch nhái ở các khu vực rừng trên núi cao thuộc vùng Tây Bắc.

- Đánh giá các nhân tố đe dọa đến khu hệ bò sát và ếch nhái ở vùng Tây Bắc.

- Xác định các sinh cảnh trọng yếu và các địa điểm cần ưu tiên đối với bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng Tây Bắc.

- Đề xuất các khuyến nghị phù hợp cho công tác bảo tồn.

Khảo sát thực địa: Từ tháng 3/2015 đến tháng 11/2016, nhóm tác giả đã tiến hành 6 chuyến khảo thực địa với tổng số 86 ngày ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và dải núi đá vôi ở vùng phụ cận thuộc tỉnh Ninh Bình.

+ Đã thu thập được 348 mẫu vật ở các địa điểm nghiên cứu để phục vụ việc phân tích, định loại. Mẫu vật hiện đang được lưu giữ tại Viện Sinh thái và TNSV, Đại học Sư phạm (Hà Nội), và Đại học Tây Bắc (Sơn La).

+ Đã giải trình tự 180 mẫu DNA của các loài ếch nhái và bò sát để phục vụ việc so sánh phân loại, công bố loài mới.

Kết quả của Nội dung 1. Đánh giá tính đa dạng

- Đã ghi nhận và công bố một số bài báo về thành phần loài bò sát và ếch nhái của các khu bảo tồn còn ít được nghiên cứu ở vùng Tây Bắc.

+ KBTTN Mường Nhé, Điện Biên: 97 loài gồm 48 loài lưỡng cư và 49 loài bò sát.

+ KBTTN Sốp Cộp, Sơn La: 99 loài gồm 49 loài lưỡng cư và 50 loài bò sát.

+ KBTTN Hang Kia–Pà Cò, Hòa Bình: 27 loài gồm 15 loài lưỡng cư và 12 loài bò sát.

+ KBTTN Ngọc Sơn–Ngổ Luông, Hòa Bình: 59 loài gồm 41 loài lưỡng cư và 18 loài bò sát

+ KBTTN Đất ngập nước Vân Long, Ninh Bình: 30 loài gồm 17 loài lưỡng cư và 13 loài bò sát.

- Phát hiện 4 loài mới cho khoa học:

+ Cyrtodactylus bobrovi và Cyrtodactylus otai ở tỉnh Hòa Bình (Nguyen et al. 2015).

+ Cyrtodactylus soni ở tỉnh Ninh Bình (Le et al. 2016).

+ Theloderma annae ở tỉnh Hòa Bình (Nguyen et al. 2016).

- Ghi nhận bổ sung cho khu hệ bò sát và lưỡng cư của Việt Nam, gồm 1 giống rắn, 2 loài rắn và 2 loài ếch nhái: Parafimbrios lao (Nguyen et al. 2015), Sinonatrix yunnanensis (Le et al. 2015), Leptobrachium masatakasatoi và Leptolalax minimus (Pham et al. 2016).

Kết quả của Nội dung 2. Đánh giá đặc điểm cấu trúc quần xã

Đã đánh giá đặc điểm phân bố theo sinh cảnh và đai độ cao của các quần xã bò sát và ếch nhái ở các khu bảo tồn sau:

- Ở KBTTN Mường Nhé: Các loài lưỡng cư và bò sát được ghi nhận phân bố chủ yếu ở độ cao trên 800 m và dưới 1.200 m (35 loài lưỡng cư và 24 loài bò sát). Sinh cảnh đa dạng nhất là rừng thường xanh ít bị tác động (65 loài), nơi ở gặp nhiều nhất là ở đất (53 loài). Thời gian ghi nhận sự xuất hiện của nhiều loài lưỡng cư bò sát trong năm là tháng 3 (32 loài) và tháng 9 (34 loài).

- Ở KBTTN Sốp Cộp: Số loài đa dạng nhất ở sinh cảnh rừng thường xanh ít bị tác động (68 loài); Theo đai cao: ghi nhận nhiều loài nhất ở độ cao từ 800 m trở lên (84 loài); Theo nơi ở: phân bố ở trên mặt đất nhiều nhất (50 loài). Biến động thành phần loài theo các tháng: ghi nhận nhiều loài nhất vào tháng 4 (41 loài lưỡng cư và 41 loài bò sát) và tháng 9 (27 loài lưỡng cư và 34 loài bò sát).

- Ở KBTTN Hang Kia–Pà Cò: Số loài đa dạng nhất ở sinh cảnh rừng thường xanh ít bị tác động (22 loài); Theo đai cao: ghi nhận nhiều loài nhất ở độ cao từ 500-800 m (16 loài); Theo nơi ở: phân bố ở trên mặt đất nhiều nhất (17 loài). Số loài ghi nhận cao nhất vào tháng 4 (22 loài).

- KBTTN Ngọc Sơn–Ngổ Luông: Số loài đa dạng nhất ở sinh cảnh rừng thường xanh ít bị tác động (39 loài); Theo đai cao: ghi nhận nhiều loài nhất ở độ cao từ 400-800 m (46 loài); Theo nơi ở: phân bố ở trên mặt đất nhiều nhất (37 loài). Số loài ghi nhận cao nhất vào tháng 4 (43 loài).

Kết quả của Nội dung 3. Đánh giá các nhân tố đe dọa

Các mối đe dọa chính đến các loài bò sát và ếch nhái ở các khu bảo tồn đã được đánh giá, bao gồm:

- Mất và suy thoái sinh cảnh sống: khai thác gỗ, khai thác đá, cháy rừng, xâm lấn đất rừng, chăn thả gia súc tự do, làm đường, xây dựng thủy điện.

- Khai thác quá mức làm thực phẩm, dược liệu truyền thống và buôn bán (Rowley et al. 2016).

- Các nhân tố khác: ô nhiễm, đánh cá điện.

Kết quả của Nội dung 4. Các vấn đề bảo tồn

Đánh giá các địa điểm cần ưu tiên để bảo tồn các loài bò sát và ếch nhái ở mỗi khu bảo tồn và ở vùng Tây Bắc. Để xác định các khu vực cần ưu tiên bảo tồn các loài lưỡng cư bò sát ở các khu vực nghiên cứu, chúng tôi đánh giá và cho điểm theo các tiêu chí: 1) có sự đa dạng về thành phần loài, 2) số loài đặc hữu hoặc quý hiếm, 3) diện tích rừng lớn và chất lượng sinh cảnh tốt, 4) mức độ tác động của con người không quá lớn. Thứ tự xếp hạng các điểm ưu tiên bảo tồn được tính tổng điểm đánh giá, số điểm càng cao thì giá trị ưu tiên bảo tồn càng lớn. Các địa điểm cần ưu tiên bảo tồn bao gồm:

- Ở KBTTN Mường Nhé: Khu vực rừng thường xanh ở xã Sín Thầu (23 điểm) và Chung Chải (19 điểm),

- Ở KBTTN Sốp Cộp: Khu rừng thường xanh ở xã Huổi Một (17 điểm).

- Ở KBTTN Hang Kia–Pà Cò: Khu rừng trên núi đá vôi gần bản Hang Kia (16 điểm).

- KBTTN Ngọc Sơn–Ngổ Luông: Khu vực rừng trên núi đá vôi ở xã Tự Do (18 điểm).

Đề xuất kiến nghị đối với các hoạt động bảo tồn ở các khu bảo tồn

- Sử dụng bền vững: Hạn chế tối đa tình trạng săn bắt vì mục đích thương mại đối với các loài lưỡng cư và bò sát bị đe dọa.

- Đề xuất với Ban quản lý các khu bảo tồn quy hoạch và sử dụng đất lâm nghiệp như giao khoán rừng để bảo vệ, giao đất vườn rừng ở vùng đệm, quy hoạch đất canh tác nông nghiệp hợp lí để đảm bảo nhu cầu về gỗ xây dựng và lương thực cho người dân. Tăng cường chuyển giao kĩ thuật khuyến nông, khuyến lâm giúp tăng thu nhập từ chăn nuôi (ví dụ: nuôi ong mật), giảm áp lực lên đa dạng sinh học. Khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương đi kèm với phát triển du lịch dã ngoại khám phá thiên nhiên, bản sắc các dân tộc.

- Xem xét khả năng nhân nuôi một số loài: Có thể xem xét xây dựng mô hình, khuyến khích người dân nuôi một số loài có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu thực phẩm. Bên cạnh đó cần nuôi thử nghiệm các loài bò sát có giá trị kinh tế với mô hình ở các địa phương khác. Nếu các mô hình nhân nuôi sinh sản quy mô hộ gia đình thành công sẽ góp phần giảm áp lực khai thác từ tự nhiên, đồng thời góp phần cải thiện thu nhập cho người dân địa phương.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng: Xây dựng chương trình giáo dục cộng đồng, học sinh địa phương về đa dạng sinh học và giá trị của bảo tồn.


*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13994) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1434

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)