Theo đó, có 9 sản phẩm được nghiên cứu trong 2 năm gần đây đã được giới thiệu đến các doanh nghiệp, trong đó có các sản phẩm như: sản phẩm hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch từ các hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên; sản phẩm hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật từ cây cỏ Việt Nam; chế phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường từ loài khổ qua, thìa canh và địa hoàng; thiết bị plasma lạnh cho nha khoa…
Hầu hết các sản phẩm đã đăng ký bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, đáp ứng các tiêu chuẩn để sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng, sẵn sàng đưa vào thử nghiệm lâm sàng để phát triển thành thuốc chữa bệnh. Các sản phẩm được phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và lợi thế về nguồn nguyên liệu.
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, việc trình bày, giới thiệu sản phẩm cần gắn với mục tiêu thương mại, phù hợp với sự quan tâm của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Thông qua việc giới thiệu nhằm kết nối hợp tác, xúc tiến chuyển giao công nghệ, phát triển thương mại sản phẩm của các nhà khoa học; đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, đặt hàng các nhà khoa học giải quyết các nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề liên quan phát triển sản phẩm, công nghệ, tính năng sản phẩm… để sát hơn với nhu cầu thực tế.
Các ý kiến cũng cho rằng, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ góp phần hình thành các sản phẩm nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, tạo động lực để các nhà khoa học tìm tòi, sáng tạo, theo đuổi sản phẩm đến cùng.
Đây cũng là bước đệm tạo nên hệ sinh thái đổi mới, nơi mà nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp “cộng sinh” để chia sẻ, hỗ trợ nhau.
Liên kết nguồn tin:
https://nhandan.vn/science-news/nhieu-ket-qua-nghien-cuu-san-sang-phat-trien-thanh-thuoc-chua-benh-675192/