Thứ ba, 02/11/2021 15:39 GMT+7

KC.05/16-20: Nhiều công nghệ năng lượng mới được ứng dụng vào thực tiễn

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị tổng kết Chương trình: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số: KC.05/16-20 vừa được tổ chức ngày 30/10/2021 tại Hà Nội.

Với mục tiêu nâng cao năng lực khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân quốc gia, tiếp cận các hướng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử, hỗ trợ triển khai dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân; thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành nông nghiệp công nghiệp và môi trường; hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp quy hạt nhân và nâng cao năng lực kỹ thuật về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân phục vụ triển khai lò phản ứng nghiên cứu và các ứng dụng công nghệ bức xạ; tiếp thu, làm chủ và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, nhiên liệu sinh học và một số dạng năng lượng mới khác; ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao hiệu suất trong khai thác, sản xuất, lưu trữ và sử dụng năng lượng…, Chương trình: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số: KC.05/16-20 đã được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện cách đây 5 năm với 23 nhiệm vụ KH&CN (gồm 20 đề tài và 3 dự án sản xuất thử nghiệm), góp phần quan trọng nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội.

KC.05/16-20 đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Điển hình phải kể đến đề tài: Đánh giá hiện trạng phông phóng xạ môi trường biển Việt Nam, nghiên cứu khả năng phát tán và ảnh hưởng phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đang vận hành gần lãnh thổ Việt Nam do TS Nguyễn Trọng Ngọ (Viện Nghiên cứu hạt nhân) làm chủ nhiệm. Đề tài đã: 1) Thiết lập bộ số liệu về mức phông các đồng vị phóng xạ tự nhiên (226Ra, 232Th, 238U) và nhân tạo (90Sr, 137Cs, 239,240Pu, 3H) trong các thành phần môi trường biển (nước, trầm tích, cá, sò, mực...) ở vịnh Bắc Bộ. Đây là tài liệu lần đầu tiên được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trên thế giới, là cơ sở đánh giá tác động môi trường của việc sử dụng năng lượng hạt nhân xung quanh vịnh Bắc Bộ. 2) Xây dựng thành công 3 loại bản đồ: bản đồ số hóa GIS, bản đồ in với tỷ lệ 1:3.000.000 và bản đồ trên nền trang web có thể cập nhật trực tuyến của 4 đồng vị phóng xạ nhân tạo (137Cs, 239,240Pu, 3H và 90Sr) trong môi trường biển (nước biển, trầm tích biển) cho vùng biển vịnh Bắc Bộ. 3) Xây dựng thành công phương pháp mô phỏng, đánh giá khả năng phát tán chất phóng xạ (đồng vị tiêu biểu là 137Cs) từ các NMĐHN Phòng Thành, Xương Giang của Trung Quốc trong môi trường biển vịnh Bắc Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, cho phép ước tính thời gian, phạm vi và mức độ ảnh hưởng của chất phóng xạ phát tán khi xảy ra sự cố từ các NMĐHN của Trung Quốc đến môi trường biển và con người Việt Nam, làm cơ sở xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố. 4) Đánh giá liều bức xạ bởi quá trình phát tán chất phóng xạ từ các NMĐHN Phòng Thành, Xương Giang của Trung Quốc ảnh hưởng tới môi trường biển và con người Việt Nam, bằng các mô hình tính toán liều (ERICA, EPA, LAMER) làm cơ sở xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố; đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó đối với một số kịch bản tai nạn từ các NMĐHN Phòng Thành, Xương Giang làm cơ sở cho việc xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố ở cấp quốc gia. 5) Đào tạo và hình thành nhóm chuyên gia có đủ năng lực đánh giá tình trạng, mức độ tác động và khả năng ứng phó đối với các sự cố gây ô nhiễm phóng xạ môi trường biển Việt Nam trong tương lai.

Đặc biệt, đề tài đã chế tạo thành công hệ thiết bị quan trắc tự động hiện trường hai đồng vị phóng xạ 134Cs và 137Cs trong môi trường nước biển, hiệu suất hấp thụ chọn lọc cao (đạt 99,9%), giới hạn phát hiện 4,4 Bq/m3, đảm bảo hoạt động được trong điều kiện khắc nghiệt của biển. Thiết bị hoàn toàn đáp ứng mục tiêu cảnh báo nhanh các sự cố phóng xạ (cấp 5, 6 và 7) từ NMĐHN Phòng Thành và Xương Giang của Trung Quốc cũng như từ các cơ sở hạt nhân khác tới môi trường biển Việt Nam. Thiết bị có giá chỉ bằng 1/3 so với nhập khẩu, đảm bảo hoạt động được trong điều kiện khắc nghiệt của biển (hiện Hãng GmbH, CHLB Đức sản xuất loại thiết bị quan trắc phóng xạ di động trong nước, dùng detector NaI(Tl) kích thước (3x3”), giới hạn phát hiện cao (550 Bq/m3) có giá khoảng 6 tỷ đồng, trong khi kinh phí chế tạo trong nước chỉ khoảng 2 tỷ đồng…).

Đề tài: Nghiên cứu điều chế dược chất phóng xạ 18F-Choline sử dụng trong chụp PET/CT chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt do TS Vũ Thanh Quang (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chủ trì thực hiện. Đề tài đã xây dựng thành công quy trình phân tích kiểm tra chất lượng 18F-FCH đồng thời trên các thiết bị HPLC, TLC, GC, Gabi Half Time, Endosafe PTS 100 kết nối qua mạng LAN. Bên cạnh đó, đề tài còn trợ gúp hiệu quả cho việc hiệu chỉnh, lựa chọn quy trình tổng hợp thuốc 18F-FCH trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh; mở ra khả năng phá vỡ thế độc tôn duy nhất từ năm 2008 của dược chất phóng xạ18F-FDG; cung cấp nhiều hơn 1 lựa chọn chỉ định PET, PET/CT; hỗ trợ chẩn đoán chính xác, đặc hiệu và điều trị hiệu quả đối với một số bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt và ung thư biểu mô tế bào gan tại Việt Nam)...
 

Dược chất phóng xạ 18F-Choline sử dụng trong chụp PET/CT chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.

TS Trần Chí Thành - Chủ nhiệm Chương trình cho biết, thông qua việc thực hiện các đề tài thuộc Chương trình đã giúp nâng cao năng lực của các nhà nghiên cứu trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN, hình thành nên các nhóm nghiên cứu chuyên sâu mang tầm cỡ quốc gia, có thể tham gia vào các chương trình nghiên cứu quốc tế.

Còn vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Chủ nhiệm Chương trình - TS Trần Chí Thành, các thành viên Ban chủ nhiệm đều là lãnh đạo quản lý của các đơn vị nên việc tổ chức họp trực tiếp để trao đổi các công việc không thể thường xuyên, dẫn đến việc xử lý công việc nhiều lúc còn bất cập. Việc cấp kinh phí cho các nhiệm vụ thường rất chậm, phụ thuộc vào kế hoạch giao kinh phí hàng năm hoặc tiến độ xác nhận kinh phí của các đề tài/dự án. Để hoàn thành được các thủ tục này, các nhà khoa học mất rất nhiều thời gian và công sức…
 

Chia sẻ thêm về những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, GS.TS Vũ Thu Hà (Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, việc quy định số lượng nhiệm vụ hàng năm cho mỗi Chương trình có số lượng hạn chế, quy định kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện 1 nhiệm vụ cũng không vượt quá trần cũng là một rào cản để có thể triển khai được các vấn đề nghiên cứu lớn hơn.

Bên cạnh đó, Chương trình có nhiều lĩnh vực nghiên cứu với mục tiêu đề ra quá lớn, nội dung thực hiện lại quá nhiều, trong khi thời gian thực hiện chỉ có 5 năm, vì vậy nhiều nhà khoa học kiến nghị Bộ KH&CN cần tăng thêm thời gian để thực hiện các nghiên cứu dài hơi. Đặc biệt, nhiều nhà khoa học đề nghị bổ sung đại diện cán bộ tài chính tham gia các đoàn kiểm tra để giải đáp các vướng mắc trong việc sử dụng kinh phí như đấu thầu, mua sắm nguyên liệu phục vụ nghiên cứu...

Liên kết nguồn tin:

https://vjst.vn/vn/tin-tuc/5505/kc-05-16-20--nhieu-cong-nghe-nang-luong-moi-duoc-ung-dung-vao-thuc-tien.aspx

Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam điện tử

Lượt xem: 2534

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)