Chủ nhật, 05/12/2021 14:40 GMT+7

Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia

Ngày 04/12/2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” và ra mắt “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ”.


Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Hội thảo

 

Phát huy vai trò kết nối các chuyên gia trí thức kiều bào

Tiếp nối thành công của Hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được tổ chức ngày 16/7/2021, Hội thảo lần này hướng đến 02 mục tiêu chính: Thu hút các chuyên gia công nghệ, trí thức kiều bào đưa ra các khuyến nghị, sáng kiến trong việc ứng dụng công nghệ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hỗ trợ cho sự phục hồi hướng tới phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia; Đối thoại, chia sẻ nhu cầu của các địa phương và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước với các chuyên gia kiều bào về kinh nghiệm thực tế, khuyến nghị xây dựng cơ chế chính sách thu hút, hỗ trợ kiều bào tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch các Hội trí thức NVNONN tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật, Pháp, Đức, Anh, Ba Lan, Nga, Hungary, Thụy Sĩ; Trưởng các Văn phòng Khoa học Công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học kiều bào, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, đơn vị tham gia Techfest 2021, đại diện một số địa phương và cơ quan quản lý liên quan.

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh quan điểm phát huy hiệu quả các nguồn lực là điều kiện tiên quyết cho phát triển đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Chính trị cũng ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới, nhấn mạnh nhiệm vụ “phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào VNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thứ trưởng khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ phát huy vai trò kết nối các chuyên gia trí thức kiều bào tham gia sâu hơn nữa vào các hoạt động khoa học công nghệ trong nước và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua việc thành lập “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ”. Đây là Mạng lưới được Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao bảo trợ. Ông Phạm Quang Hiệu bày tỏ hy vọng thông qua Mạng lưới này, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phát huy nguồn lực, cũng như lắng nghe phản hồi từ kiều bào về những vướng mắc khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Dương Hồng Anh - Đại diện Văn phòng Bộ KH&CN Việt Nam tại nước ngoài đã chia sẻ: "Phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội dựa vào trí thức, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật ở nước ngoài là một trong những chủ trương định hướng của Đảng và Chính phủ, trong thời gian vừa qua các Văn phòng đại diện KH&CN tại nước ngoài đã phát huy được mục tiêu nhiệm vụ được giao trong việc tiếp nhận, thu nhập các thông tin về tiến bộ kỹ thuật chuyển giao, làm cầu nối cho các dự án KH&CN trong nước, thực hiện kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức KH&CN trong nước và các tổ chức quốc tế".


Ra mắt Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo

Trong năm 2021, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ KH&CN triển khai thành công Chương trình Cố vấn Khởi nghiệp toàn cầu 2021, thu hút được hơn 50 chuyên gia kiều bào đăng ký tham gia với tư cách là cố vấn và 62 đơn vị khởi nghiệp tại Việt Nam đăng ký tham gia với tư cách là người tiếp nhận cố vấn. Chương trình này chính là tiền đề tiến tới thành lập Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào ở các nước hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ.

Phân tích các tác động của dịch Covid-19 tới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng đại dịch đã tạo áp lực lên tất cả các quốc gia về việc thay đổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN, thực hiện chuyển đổi số. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Do vậy, từ các tập đoàn lớn, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều phải có điều chỉnh trong phương thức vận hành, ứng dụng KH&CN trong quản lý, điều hành, sản xuất, tương tác, điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng thích ứng, linh động hơn với bối cảnh. Ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cũng phải có những giải pháp ứng dụng KH&CN để bảo đảm công việc, hoạt động của tổ chức.



Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo

 

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, đây chính là cơ hội lớn để các giải pháp sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được ứng dụng, thương mại hóa, đưa vào đời sống thực tiễn.

Trong bối cảnh này, sự ra đời của “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ” sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mạng lưới sẽ thu hút các chuyên gia công nghệ, trí thức kiều bào Việt Nam trên thế giới. Hiện đã có 21 vị chủ tịch các Hội tri thức người Việt ở nước ngoài, đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia. Mạng lưới sẽ kết nối với các tổ chức, hiệp hội trong nước, đưa ra các khuyến nghị, sáng kiến cho Việt Nam và từng địa phương trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho sự phục hồi, tăng tốc, phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Các thành viên cũng thực hiện khảo sát nhu cầu hỗ trợ công nghệ, phát triển thị trường của các làng công nghệ của Techfest và đánh giá khả năng đáp ứng tại thị trường ở nước ngoài thông qua đầu mối là các hội trí thức. Một cơ sở dữ liệu chung về đổi mới sáng tạo và thương mại hoá sản phẩm công nghệ sẽ được tạo lập. Đối với từng lĩnh vực công nghệ sẽ có nhóm kết nối cố vấn, hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước vẫn có bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp này đã nhận được tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỷ USD tập trung ở các lĩnh vực tài chính, sức khỏe và giáo dục... Cả nước hiện có 208 quỹ đầu tư đang hoạt động, 108 tổ chức đầu tư kinh doanh, cơ sở ươm tạo, 138 trường đại học, cao đẳng có tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Trên 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đã tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Thông qua Mạng lưới, thông tin về hệ sinh thái đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật đến cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, thông tin về các thế mạnh của chuyên gia, trí thức kiều bào cũng sẽ được tập hợp và công bố để hướng tới các hoạt động liên kết tiềm năng.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định những nỗ lực hợp tác của Bộ KH&CN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao và nhiều bộ, ngành, cơ quan đặc biệt qua chương trình "Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu" với mục tiêu xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Thứ trưởng nhấn mạnh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã và đang triển khai sáng kiến về “Nền tảng Đổi mới Sáng tạo Mở" nhằm thúc đẩy và mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước giữa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và các nhà sáng chế, nghiên cứu, công ty khởi nghiệp, từ đó tạo ra lực đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa giữa các thành phần kinh tế, góp phần giúp phục hồi và tăng trưởng chủ động trong thời kỳ bình thường mới.



Các đại biểu trao đổi thảo luận tại Hội thảo

 

Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” được kỳ vọng là nơi kết nối chủ tịch các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hoạt động ở Việt Nam với Chủ tịch các hội chuyên gia kiều bào, “đặt hàng” về nhu cầu chuyên gia cũng như nhu cầu nội tại trong doanh nghiệp, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp phù hợp góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1235

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)