Thứ tư, 15/12/2021 10:34 GMT+7

Đổi mới sáng tạo mở: Hợp tác cùng phát triển

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2021, sáng 14/12 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị “Đổi mới sáng tạo mở: Hợp tác cùng phát triển”.


Thứ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị
 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong những năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện và sâu rộng tới mọi mặt kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà trực tiếp là các doanh nghiệp. Vì vậy đòi hỏi hơn bao giờ hết sự quyết tâm, đồng lòng tập trung nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đại dịch còn hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực từ quốc tế, hạn chế sự tương tác, gặp gỡ, trao đổi kinh doanh, đây cũng là một áp lực cho sự đổi mới sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng KH,CN&ĐMST giữa đại dịch.

“Chúng ta rất mong muốn trong thời gian tới, các tập đoàn, các tổng công ty, các cơ quan nhà nước phải là người đặt hàng cho đội ngũ những người làm khởi nghiệp. Và đội ngũ khởi nghiệp sẽ rất nhiều ý tưởng mới, sáng tạo và những ý tưởng đó sẽ giúp giải quyết bài toán của khu vực doanh nghiệp, tập đoàn. Thế nhưng, để những ý tưởng của những người khởi nghiệp thành công rất cần có sự đồng hành của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, các nhà khoa học hỗ trợ cho những người làm khởi nghiệp, cung cấp những thông tin cần thiết về KH&CN giúp họ hoàn thành kết quả nghiên cứu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

“Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay. Tiếp đó là “mở” trong thiết kế mô hình vận hành, sản xuất kinh doanh, “mở” trong liên kết hợp tác, đồng thời “mở” trong tư duy, cách tiếp cận vấn đề. Và cuối cùng là “liên kết hợp tác”, chỉ khi liên kết với nhau, hình thành chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo giá trị cộng hưởng cho nhau thì chúng ta mới phát triển được”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng gửi thông điệp đến cộng đồng khởi nghiệp.

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức phát triển trên phạm vi toàn cầu, bao gồm những tác động của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước đại dịch Covid-19. Do đó, cần có các giải pháp đổi mới hơn bao giờ hết và tận dụng sức mạnh của trí tuệ tập thể để giải quyết những thách thức này, đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và phục hồi, phát triển tốt hơn trong Covid-19.



Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam

 

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất cho rằng, đổi mới sáng tạo mở là một nhu cầu cần thiết chứ không phải chỉ là một sự khuyến khích hay là lựa chọn. Theo ông Phạm Hồng Quất, đổi mới sáng tạo mở là phải mở tư duy về cách thúc đẩy những sản phẩm sáng tạo có ích cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội lớn nhất để các viện, trường và các startup coi các tập đoàn, các doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chính của mình vì nó gắn liền với thị trường, gắn liền với cuộc sống.

Các tập đoàn, các doanh nghiệp mở hệ sinh thái của mình ra không chỉ dựa vào nguồn lực bên trong từ các nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn của mình, mà còn sử dụng trí tuệ bên ngoài, chính là các bạn trẻ các startup, các viện, trường là một nguồn lực để phát triển những sản phẩm mới. Và trong mối quan hệ đó thì viện, trường, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tập đoàn trở thành khách hàng, nhà đầu tư của nhau và trở thành những người sử dụng những sản phẩm của nhau và sử dụng trí tuệ của nhau.

Xuyên suốt Hội nghị, các diễn giả và chuyên gia đã thảo luận xoay quanh các nội dung: Ý nghĩa và vai trò của các cơ quan Nhà nước trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cũng như xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo mở; Góc nhìn thực tế và các kiến nghị về hoạt động đổi mới sáng tạo mở hiện nay từ các doanh nghiệp Việt Nam; Bài học thực tiễn trong việc triển khai thành công mô hình đổi mới sáng tạo mở tại Singapore và Israel; Ýnghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Chương trình thí điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở của Chính phủ cũng như tầm quan trọng của các đơn vị cung cấp dịch vụ đổi mới sáng tạo mở trong mô hình triển khai này.

Sau khi nghe những nội dung tham luận của các đại biểu tham dự, Hội nghị đã cùng tọa đàm với phần trao đổi mở, chia sẻ thẳng thắn từ các chuyên gia, các doanh nghiệp, với góc nhìn từ nhiều phía, nhiều quan điểm khác nhau về quan điểm, suy nghĩ, kinh nghiệm và đề xuất để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam hiệu quả và thành công hơn nữa.



Toàn cảnh buổi tọa đàm “Đổi mới sáng tạo mở: Hợp tác cùng phát triển”

 

Sự kiện “Đổi mới sáng tạo mở - Hợp tác cùng phát triển” là một trong những hoạt động kích hoạt phát triển các nền tảng kết nối, nhằm khai thác có hiệu quả sự phát triển của KH&CN trong liên kết các thành phần của hệ sinh thái, từ đó thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy quá trình thương mại hóa, ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài học thực tiễn.

Hiện tại, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã và đang phối hợp với các đối tác, trong đó có Viet Lotus để nghiên cứu xây dựng Chương trình thí điểm quốc gia về thúc đẩy Đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam. Trong đó Viet Lotus đóng vai trò là đơn vị kết nối giữa doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để tìm kiếm và giải quyết các thách thức, bài toán thực tế. Đây là một trong những nội dung quan trọng và mang tính chất thực tiễn cao trong lộ trình triển khai hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam, góp phần hoàn thiện Chương trình thí điểm quốc gia về thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Và để khẳng định cam kết về thúc đẩy Đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) thuộc Bộ KH&CN sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) hợp tác phát triển công nghệ số, dẫn dắt chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và triển khai mô hình Đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam nói chung.

Cùng với đó, Viet Lotus sẽ ký kết Thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank). Vietcombank sẽ là đơn vị tham gia vào chương trình thí điểm này, với vai trò người tiên phong sẽ khuyến khích các doanh nghiệp khác mạnh dạn tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo mở nhằm tận dụng trí tuệ tri thức cộng đồng, tri thức xã hội để giải quyết các bài toán chuyển đổi số của chính doanh nghiệp mình.

Techfest Việt Nam 2021 là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ KH&CN phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức. Với mục tiêu nâng cao vai trò của các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong ứng phó với đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi nền kinh tế; thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt; thúc đẩy hình thành tư duy đổi mới sáng tạo mở, giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong xã hội…, chuỗi hoạt động của Techfest Việt Nam 2021 là nỗ lực lớn của cộng đồng trong công tác triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN - Văn phòng Bộ

Lượt xem: 2226

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)