Thứ tư, 15/12/2021 20:05 GMT+7

Hội thảo khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất vắc xin sử dụng cho người

Sáng 15/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất vắc xin sử dụng cho người. Đây là hội thảo đầu tiên được Bộ KH&CN tổ chức về Chương trình vắc xin theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 1657/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tham dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất vắc xin và thuốc sinh học ở Việt Nam như: Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y,...



Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại
Hội thảo
 

Trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030” là một chương trình dài hạn trong 10 năm. Do đó, cần xây dựng một kế hoạch, biện pháp cụ thể trước mắt và lâu dài, Bộ KH&CN mong muốn sự vào cuộc của các viện, trường, doanh nghiệp, các nhà khoa học, thậm chí cả các chuyên gia, tổ chức nước ngoài cùng bàn giải pháp để Việt Nam chủ động trong việc phát triển vắc xin, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vô cùng phức tạp như hiện nay.



Toàn cảnh 
Hội thảo
 

Tại Hội thảo, sau khi nghe 09 báo cáo về thực trạng và định hướng ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu sản xuất vắc xin, những khó khăn thách thức trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, đặc biệt là tiềm năng ứng dụng công nghệ mRNA trong nghiên cứu sản xuất vắc xin điều trị ung thư, vắc xin dự phòng sốt xuất huyết, HIV, dại… và nhu cầu sản xuất mẫu chuẩn vắc xin, cũng như kế hoạch nghiên cứu sản xuất vắc xin đến năm 2030 của các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin, các nhà khoa học, các chuyên gia tham dự Hội thảo đã đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết.

Các đại biểu đều thống nhất về vai trò quan trọng của vắc xin trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát hiện nay, việc triển khai Chương trình là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhất trí với hiện trạng dàn trải, nhỏ lẻ giữa và trong các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin, tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sản xuất vắc xin phòng bệnh và vắc xin điều trị bệnh. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ/ngành, tạo nhiều cơ chế chính sách ưu đãi hơn nữa cho các đơn vị tham gia nghiên cứu sản xuất vắc xin.

Thống nhất quan điểm với các nhà khoa học, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Bộ KH&CN sẽ trao đổi chuyên môn sâu hơn với từng đơn vị và sẽ tổ chức hội thảo khoa học liên quan đến từng vấn đề, đồng thời cùng với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai Chương trình có hiệu quả.
 

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1657/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030”.

Theo đó, mục tiêu của Chương trình hướng đến: Nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin sử dụng cho người (gọi tắt là vắc xin), nâng cao trình độ, năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh; Phấn đấu 100% vắc xin trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vắc xin khác, từng bước đưa vắc xin Việt Nam tham gia thị trường quốc tế; Đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 03 loại vắc xin, đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 05 loại vắc xin.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Vụ KH&CN các ngành KTKT

Lượt xem: 1438

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)