Thứ sáu, 31/12/2021 19:06 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc đánh giá những đóng góp của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cần nhìn cả quá trình chứ không chỉ sau một vài năm hay một số sự kiện nổi bật. Nhìn lại 10 năm qua, ngành KH&CN đã có những đóng góp rất quan trọng. Phó Thủ tướng chúc mừng, biểu dương nỗ lực của Bộ KH&CN, các nhà khoa học; cảm ơn các Bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền từng bước dành sự quan tâm cho KH&CN nhiều hơn, thiết thực hơn.

Ngày 31/12/2021, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bộ KH&CN.



Toàn cảnh Hội nghị

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Lãnh đạo các Sở KH&CN; đại diện một số viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ… Về phía Bộ KH&CN, có Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt; các đồng chí Lãnh đạo Bộ và nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng tập thể cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP.

Cơ chế, chính sách về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST. Việc huy động kinh phí ngoài NSNN để triển khai hoạt động KH&CN tiếp tục được quan tâm thực hiện, tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tiềm lực KH&CN quốc gia tiếp tục được tăng cường.

Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin,...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.

Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận. Đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Hạ tầng thông tin, thống kê KH&CN có bước phát triển mạnh, cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia được hình thành. Các ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số tích cực được triển khai, thích ứng nhanh trong điều kiện dịch bệnh. Hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp và ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn thế giới và khu vực. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo và phù hợp với cam kết quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN ngày càng được mở rộng ra các đối tác để cùng phối hợp giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là việc tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). “Trong báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành, Việt Nam tiếp tục là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn”, Thứ trưởng Định dẫn thông tin.

Là đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ KH&CN tập trung phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; kết nối, hỗ trợ và chia sẻ dữ liệu về COVID-19 cho tất cả các tỉnh, thành phố; triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (Callbot) gọi điện hỗ trợ khai báo y tế cho người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao; triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19...

Bộ KH&CN đã tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KH,CN&ĐMST. Theo đó, Bộ đã tổ chức 17 cuộc làm việc với Lãnh đạo các địa phương; ký kết và triển khai có hiệu quả các Chương trình phối hợp hoạt động KH,CN&ĐMST để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và ứng phó với biến đổi khí hậu (xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở, phòng chống dịch bệnh trong nông nghiệp,...).

KH&CN góp phần tái cơ cấu và có đóng góp rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, y tế, quốc phòng…



Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trình bày các tham luận để làm rõ thêm về hoạt động KH,CN&ĐMST trong năm qua. Qua các tham luận cho thấy các kết quả nghiên cứu KH&CN đang đóng góp vào phát triển kinh tế chung và từng ngành, địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đánh giá những đóng góp của ngành KH&CN cần nhìn cả quá trình chứ không chỉ sau một vài năm hay một số sự kiện nổi bật. Nhìn lại 10 năm qua, ngành KH&CN đã có những đóng góp rất quan trọng. Phó Thủ tướng chúc mừng, biểu dương nỗ lực của Bộ KH&CN, các nhà khoa học; cảm ơn các Bộ, ngành, cấp uỷ Đảng, chính quyền từng bước dành sự quan tâm cho KH&CN nhiều hơn, thiết thực hơn.

Về các nhiệm vụ triển khai trong năm tới, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm chính: Ngành KH&CN phải có cơ chế mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như là một bộ phận trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Bộ KH&CN phải là nơi tập hợp, chủ động đề xuất rất cụ thể, làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế tài chính cho doanh nghiệp (DN); Triển khai nhanh hơn nữa mô hình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học theo hướng các trường là đầu mối nhận nhiệm vụ khoa học trực tiếp từ Bộ KH&CN; Quyết liệt quy hoạch lại toàn bộ các cơ sở nghiên cứu khoa học, bao gồm cả các viện nghiên cứu trong DN, trường đại học, đồng thời tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài.

Từ quá trình triển khai thí điểm mô hình Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đề nghị Bộ KH&CN cần tháo gỡ các vướng mắc để củng cố mô hình mới trong quản trị khoa học và lan toả các kết quả nghiên cứu.

Bộ KH&CN phải tiên phong trong quản lý một cách khoa học, trên cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu về quản lý khoa học, được minh bạch hoá, công khai hoàn toàn, tăng cường sự giám sát đồng đẳng trong giới khoa học; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đẩy mạnh hoạt động KH&CN gắn với những vấn đề thiết thực ở cơ sở, qua đó nâng lên vai trò của các Sở KH&CN; thúc đẩy hơn nữa các khoa học xã hội, khoa học chính trị với nhiều nghiên cứu lớn đang được triển khai. “Ngành KH&CN phải đẩy mạnh phổ biến tri thức KH&CN cho toàn dân, góp phần nâng cao dân trí, trong đó cần thúc đẩy đề án Hệ Tri thức Việt số hoá. Năm 2022, Bộ KH&CN cần tạo chuyển biến rõ rệt, tạo đà cho những năm tiếp theo”, Phó Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang khẩn trương thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN, xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển KH&CN; quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam trong thời kỳ mới...

Trong năm 2022, các cơ chế, chính sách, giải pháp của Bộ KH&CN sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu KH&CN. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học…

“Bộ KH&CN đang rất quyết tâm, tuy nhiên, vẫn vướng rất nhiều. Rất mong tiếp tục nhận được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của đồng chí Phó Thủ tướng; sự phối hợp của các cơ quan ở Trung ương và địa phương; sự vào cuộc tích cực của các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết đã diễn ra Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025 giữa Bộ KH&CN với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.



Toàn cảnh Lễ ký kết

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Văn phòng Bộ

Lượt xem: 11401

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)