Thứ hai, 24/01/2022 16:21 GMT+7

Lai Châu: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhanh bền vững

Lai Châu cần tiếp tục tập trung hơn nữa trong việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chế biến để chủ động cho đầu ra những sản phẩm đặc thù cũng như đánh giá, thẩm định các công nghệ phù hợp để khai thác, chế biến các tài nguyên, khoáng sản; xác lập và khai thác tài sản trí tuệ, nhất là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hoá chủ lực của tỉnh, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cho thị trường quốc tế.

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết tại buổi làm việc với tỉnh Lai Châu diễn ra ngày 22/1/2022.
 


Toàn cảnh buổi làm việcTham dự Đoàn công tác của Bộ KH&CN còn có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.

Về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và đơn vị liên quan.

Ứng dụng KH&CN – Mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế

Phó Chủ tịch Tống Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN, thực hiện có hiệu quả qua một số kết quả nổi bật như: đẩy nhanh các ứng dụng KH&CN để nâng cao năng suất chất lượng cây trồng vật nuôi; các đề xuất thực hiện của các ngành, địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh; hiệu quả của hoạt động nghiên cứu ứng dụng được nâng cao, có sự gắn bó chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng,... góp phần tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, một số sản phẩm đặc sản của tỉnh gắn với sản phẩm đặc trưng của từng huyện, nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa (tăng 30% so với trước).

Riêng lĩnh vực KH&CN của tỉnh có 52/52 thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công (đạt 100%). Trong đó số thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 4 là 20 thủ tục, mức độ 3 là 14 thủ tục; thủ tục hành chính liên thông là 05 thủ tục. 100% thủ tục hành chính được công khai, minh bạch tại Trung tâm hành chính công và trên cổng dịch vụ công Quốc gia và cổng dịch vụ công của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh đã có 180 cơ quan hành chính nhà nước và 15 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch và hoạt động có hiệu quả theo mục tiêu chương trình cải cách hành chính chung của tỉnh.

Với lợi thế về lĩnh vực nông nghiệp, nguồn dược liệu, tỉnh đã tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phục tráng, xây dựng mô hình một số giống cây trồng, vật nuôi năng suất chất lượng và giá trị kinh tế cao như: khoai sọ Nậm Khao, dong diềng, chè PH8 và PH10, cây Sơn tra, cây chuối, cây Sâm Lai Châu, Lúa Khẩu Hốc và Tả Cù, lợn, Lan kim tuyến, Lan, rau dược liệu, rau chất lượng cao,....

Bên cạnh đó, công tác sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng luôn được chú trọng, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 80 nhãn hiệu hàng hóa được cục Sở SHTT chấp nhận đơn đăng ký; 35 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 07 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản địa phương (gạo Séng Cù, gạo Tẻ râu, gạo Khẩu Ký, gạo Nếp Tan Co Giàng, chè Tam Đường, chè Tân Uyên, Miến dong Bình Lư). Đặc biệt, tỉnh cho phép sử dụng bản đồ huyện Tam Đường để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Tam Đường” và sử dụng tên địa danh Phong Thổ và bản đồ huyện Phong Thổ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tả Cù Phong Thổ”; lồng ghép xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm Miến dong Bình Lư, sâm Lai Châu, Bảy lá một hoa, Khôi nhung, sản phẩm tắm thảo dược, rau dược liệu, cây Lan kim tuyến,....

Bên cạnh đó, hiện có 90 doanh nghiệp được cấp và sử dụng mã số mã vạch, 105 doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn cơ sở, ghi nhãn hàng hóa và tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu; 09 lượt doanh nghiệp tham dự và đạt giải thưởng chất lượng Quốc gia trong đó có 01 doanh nghiệp đạt giải vàng GTCLQG. Hoạt động quản lý nhà nước về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) ngày càng được nâng lên và từng bước khẳng định được vai trò và vị trí của đơn vị tăng cường góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Lĩnh vực Khoa học kỹ thuật, tự nhiên, khoa học xã hội đã góp phần giải quyết một số vấn đề cấp bách đối với tình hình địa phương, như đổi mới và làm chủ công nghệ sản xuất chè Olong tại công ty cổ phần chè Tam Đường; đánh giá chất lượng đất làm cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý cột mốc tuyến biên với Việt-Trung; xây dựng được 03 mô hình áp dụng hệ thống mô hình quản lý, truy xuất, giám sát, minh bạch và kết nối thị trường theo hướng thông minh một số sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu; xây dựng được 250 mô hình nước sinh hoạt hợp vệ sinh; biên soạn cuốn sách địa chí tỉnh Lai Châu, nội dung cuốn sách đã tổng hợp và ghi chép hệ thống những tri thức về địa lý, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hoá - xã hội, lịch sử hình thành và phát triển thiên nhiên, con người tỉnh Lai Châu; xây dựng 03 mô hình du lịch cộng đồng; biên soạn bộ chữ viết của dân tộc Hà Nhì,...

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH,CN&ĐMST

Cùng với những thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng KH&CN phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch Tống Thanh Hải cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong việc ứng dụng KH,CN&ĐMST của tỉnh, đồng thời cho biết, để phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, phát triển từ 3 - 5 sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương thông qua thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ; tập trung triển khai nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ một số lĩnh vực then chốt,...
 

 Chủ tịch Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Trên cơ sở thành công bước đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai một số đề án, dự án lĩnh vực KH&CN. Đồng thời, đề xuất triển khai thí điểm một số đề tài khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ tỉnh xây dựng, triển khai hoạt động liên quan đến SHTT, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ cho sản phẩm cây sâm Lai Châu; hỗ trợ khai thác tài nguyên, khoáng sản theo hướng chế biến sâu; ưu tiên hỗ trợ, định hướng Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp,... nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong thời gian tới.
 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc

Nhấn mạnh vào lợi thế phát triển của tỉnh đối với các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, dược liệu, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ,... Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, tỉnh cần tiếp tục tập trung ưu tiên, phát triển quy hoạch vùng trồng cho một số sản phẩm đặc hữu của tỉnh, kết hợp với xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng chuyển đổi số, đồng thời phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp,...  đây sẽ là tiền đề vững chắc, tạo sự bứt phá về kinh tế - xã hội của tỉnh.
 

 Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động KH,CN&ĐMST của tỉnh trong thời gian qua. Ngoài việc đề nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở, ban ngành của tỉnh, Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung trong việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chế biến để chủ động cho đầu ra của sản phẩm đặc thù cũng như đánh giá, thẩm định các công nghệ phù hợp để khai thác, chế biến các tài nguyên, khoáng sản; xác lập và khai thác tài sản trí tuệ, nhất là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hoá chủ lực của tỉnh, không chỉ cho thị trường trong nước, mà còn cho thị trường quốc tế. Bên cạnh đó ứng dụng các công nghệ đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển công nghiệp du lịch của tỉnh trong việc số hoá các sản phẩm du lịch, kết hợp với việc ứng dụng các công nghệ mới,...

Để tiến tới hiện thực hóa các đề xuất giữa hai bên, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiến hành ký kết chương trình phối hợp giữa tỉnh Lai Châu và Bộ KH&CN trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện các sở, ngành tỉnh Lai Châu và lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến một số lĩnh vực như: chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn; triển khai một số đề án, đề tài; hoạt động SHTT, TĐC...

Nhân dịp này, Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã trao 50 suất quà cho 50 công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trao quà cho đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh.
 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu đại Liên đoàn Lao động tỉnh.
 

Trước đó, Đoàn đã đến thăm, tặng quà động viên đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ tại Bệnh viện Phổi tỉnh. Tại nơi đến thăm, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ y, bác sĩ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 


 

Đồng thời, Bộ trưởng đã động viên đội ngũ y, bác sĩ các đơn vị tiếp tục kiên trì mục tiêu phòng, chống dịch hiệu quả, thích ứng an toàn, chung tay của cả cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
 


Tại Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, Lai Châu, Đoàn đã trao tặng 10 suất quà cho 10 hộ nghèo tại xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, Lai Châu.
 


 


 

Thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng ân cần thăm hỏi, động viên đại diện chính quyền địa phương, các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vươn lên phát triển kinh tế, đồng thời gửi lời chúc tết Nhâm Dần vui tươi, đầm ấm và an lành.
 


 

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Bộ trưởng đã thăm hỏi, động viên các cháu, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm.
 

Bộ trưởng và Đoàn đã tặng quà cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
 


 

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội tiếp tục sự hỗ trợ, chung tay, góp sức để các cháu, đối tượng bảo trợ xã hội tự vươn lên, đóng góp có ích cho xã hội.
 


 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Trần Tiến Dũng cũng đến thăm và làm việc với Sở KH&CN tỉnh Lai Châu. Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu trong công tác, chủ động tham mưu cho tỉnh những cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động KH&CN,... đồng thời gửi lời chúc tết tới tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở và bày tỏ mong muốn Sở tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác KH&CN thời gian tới./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 46925

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)