Hoạt động hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng hòa vào dòng chảy chung các hoạt động đối ngoại của đất nước. Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, cùng nhìn lại hợp tác quốc tế trong năm qua với rất nhiều hoạt động có ý nghĩa dù đại dịch Covid vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam và thế giới.
Một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Trong năm 2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) đã phát huy mạnh mẽ vai trò đại diện Việt Nam tại 14 Tổ chức quốc tế và khu vực mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Ủy ban Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ)...
Tổng cục đã tham gia tích cực vào các chương trình nghị sự của Hội nghị toàn thể lần thứ 44 Đại hội đồng ISO. Với chủ đề của Đại hội đồng năm nay là “Tương lai đã bắt đầu”, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến trong các phiên thảo luận chuyên đề, các văn kiện quan trọng của ISO, thảo luận những vấn đề về tiêu chuẩn hóa của các nước đang phát triển…
Việt Nam cùng các thành viên ISO đã thông qua Tuyên bố Luân-đôn, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế trong việc hỗ trợ các cộng đồng, tổ chức và ngành công nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn và có thể tái tạo.
Đồng thời, Việt Nam cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ tham gia thực hiện Kế hoạch hành động về Giới của ISO, qua đó nâng cao tỷ lệ nữ tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa, nâng cao hiểu biết của cộng đồng Việt Nam về các tiêu chuẩn hỗ trợ bình đẳng giới hoặc tính đến các yếu tố về giới trong công tác tiêu chuẩn hóa.
Trong khuôn khổ Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2021, Tổng cục đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021, để lại dấu ấn về một Việt Nam năng động. Đặc biệt, Việt Nam đã chủ trì nhiều hội thảo của APO và chủ trì dự án nghiên cứu của APO về Đánh giá nhu cầu quản lý đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ 10 nền kinh tế thành viên của APO.
Thông qua vai trò kết nối của Tổng cục, vào tháng 10/2021, Lễ ký trực tuyến thỏa thuận tài trợ của APO và Chính phủ Nhật Bản dành cho tỉnh Phú Yên đã diễn ra, qua đó Chính phủ Nhật Bản thông qua APO cam kết tài trợ 4 thiết bị bảo quản lạnh với tổng vốn của dự án tài trợ là 57 triệu Yên Nhật, tương đương 11 tỷ đồng. Chuỗi giữ lạnh tối ưu sử dụng công nghệ của Nhật Bản mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều lần cho nông thuỷ sản tươi sống.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Nhật Bản, Tổ chức APO, bên cạnh đó đánh giá cao vai trò của APO với tư cách là tổ chức quốc tế uy tín về năng suất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các hoạt động thúc đẩy đổi mới năng suất và hỗ trợ các nền kinh tế thành viên khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Trong ASEAN, Tổng cục đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ACCSQ nhiệm kỳ 2020-2021, chủ trì 06 hội nghị và phiên họp trực tuyến của ACCSQ, tham gia báo cáo và thảo luận tại khoảng 20 hội nghị liên quan trong ASEAN. Trong bối cảnh phức tạp và nhiều biến động, Việt Nam đã thể hiện khả năng điều phối, dẫn dắt ACCSQ đạt được nhiều mục tiêu quan trọng như: hoàn tất ký kết MRA về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới (APMRA); thống nhất Thỏa thuận khung của ASEAN về MRA và MRA về vật liệu xây dựng sau nhiều năm đàm phán; phối hợp với APO triển khai thành công Sáng kiến ASEAN 2020 về xây dựng lộ trình, giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN.
Từ đầu năm 2021, Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế giải quyết các quan ngại trong ASEAN đối với Thông tư 32/2018/TT-BYT của Bộ Y tế liên quan đến hồ sơ đăng ký thuốc. Năm 2021, Tổng cục đã chuyển giao vai trò Chủ tịch Nhóm công tác về Tiêu chuẩn và Nhóm Công tác về Đánh giá sự phù hợp của ACCSQ.
Đồng thời, Tổng cục cũng đảm nhận vai trò Chủ tịch nhiệm kỳ 2021- 2022 của Ủy ban chuyên ngành về Điện, điện tử của ASEAN và Nhóm công tác cao su của ASEAN.
Hợp tác song phương đáp ứng các nhu cầu của xã hội
Trong hợp tác song phương, hoạt động hợp tác quốc tế luôn tìm cách phát huy thế mạnh của mỗi đối tác để phục vụ cho các nhu cầu của xã hội như Tiêu chuẩn cho trang thiết bị y tế với Hiệp hội các phòng thử nghiệm của Hoa Kỳ - Underwriter Laboratory (UL) hay chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng xăng dầu với Viện Quản lý xăng dầu Hàn Quốc (K-Petro) hay hội thảo về đánh giá từ xa với UNIDO.
Một thế hệ cán bộ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng năng động
Những khó khăn vẫn hiện hữu nhưng không vì thế mà làm giảm đi ngọn lửa nhiệt huyết trong các cán bộ ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Sự hiện diện của các cán bộ Tổng cục trong các hội nghị, hội thảo quốc tế trong vai trò các diễn giả, chuyên gia để lại những ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc.
Một lễ ký kết diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Đó là vai trò diễn giả tại Hội thảo “Tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm dừa” do Cộng đồng dừa quốc tế tổ chức, người dẫn chương trình Tọa đàm cấp cao (APO Talk) với chủ đề: “Khoa học công nghệ trong mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững” với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Philippines, là diễn giả đại diện của APO tại Hội nghị khu vực lần thứ hai về phát triển công nghiệp ở Châu Á - Thái Bình Dương do UNIDO phối hợp với APO tổ chức, diễn giả trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh về Công nghiệp hóa và sản xuất toàn cầu (GMIS) do Arập Xê-út chủ trì, Hội thảo ASEAN-UNIDO về sản xuất thông minh, Hội nghị Thượng đỉnh của Úc về xây dựng năng lực về tiêu chuẩn cho các công nghệ mới và quan trọng cho nền kinh tế và nhiều hội nghị quan trọng khác.
Nhìn lại năm 2021, Tổng cục đã tổ chức 15 hội nghị, hội thảo quốc tế, tham gia hơn 80 phiên họp, hội nghị, hội thảo của các tổ chức quốc tế, điều phối sự tham gia của đại biểu Việt Nam tại 86 hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo của APO, quảng bá 61 tọa đàm của APO với cộng đồng Việt Nam.
Một năm nhìn lại khối lượng công việc đã triển khai trong năm qua với niềm tự hào và tiếp thêm động lực đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong năm mới với những hy vọng mới.