Đóng góp vào thành công chung của tỉnh có vai trò quan trọng, rõ nét của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ được ban hành và phát huy hiệu quả, như: Chuyển đổi số, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm v.v... và đặc biệt là Kế hoạch thực hiện Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đã đi vào nề nếp và ngày càng hiệu quả hơn. Việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp đứng trong tốp đầu cả nước, toàn tỉnh có 1.284 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 67 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh, với hơn 1 ngàn sáng kiến được công nhận mỗi năm đã giúp tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp. Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm triển khai thông qua các đề tài, dự án KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án đã đóng góp tích cực nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh như: gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, rau Yên Dũng, ba kích Sơn Động, na dai Lục Nam, bưởi Hiệp Hòa, vú sữa Tân Yên... đều có đóng góp quan trọng của KH&CN.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có một số hạn chế, khó khăn đặt ra đối với hoạt động KH&CN của tỉnh Bắc Giang, đó là: Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chưa thực sự đều khắp trong tất cả các lĩnh vực; kết quả phát triển doanh nghiệp KH&CN, thị trường KH&CN, dịch vụ KH&CN, thẩm định công nghệ dự án đầu tư còn khá khiêm tốn; hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ươm tạo công nghệ kết quả chưa cao, chưa có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công; hạ tầng đo lường của tỉnh còn chưa đáp ứng nhu cầu về đo lường của các doanh nghiệp...
Ngày 17/02/2022, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định: “Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng”. Để góp phần thực hiện thành công Quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030 Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì ngành Khoa học và Công nghệ cần tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, xác định yếu con người là nhân tố quan trọng nhất, là giải pháp mấu chốt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có cơ chế khuyến khích làm việc theo nhóm nghiên cứu, khoán nội dung công việc gắn với sản phẩm cuối cùng. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những đóng góp của các tập thể, cá nhân trong nghiên cứu khoa học để lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đóng góp cho quê hương.
Thứ hai, từng bước tăng chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tổng chi ngân sách địa phương; gia tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp; nâng cao chỉ tiêu về năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP); gia tăng số đơn đăng ký và số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Thứ ba, đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến; doanh nghiệp được chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; tiếp tục chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm mới, đồng thời, duy trì, giữ vững thương hiệu sản phẩm đã được bảo hộ, tăng cường khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung - cầu công nghệ.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Thực hiện tốt các Đề án, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt như: Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Kế hoạch thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ; nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ; Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Thứ năm, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu duy trì thứ hạng năng lực chuyển đổi số DTI của tỉnh; phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới. Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với những kết quả đã đạt được cùng những định hướng đúng đắn, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và phương pháp, cách làm quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, chúng ta có thể tin tưởng và kỳ vọng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu “Vì một Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc”./.
Mai Sơn
Ủy viên BTVTU- Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Bắc Giang