Thứ tư, 06/04/2022 10:33 GMT+7

Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Tập đoàn Điện lực: Khai thác tốt nhất tiềm năng, phát huy lợi thế để cùng phát triển

Phát biểu tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), đại diện 2 bên nhấn mạnh sự kiện sẽ mở ra các cơ hội mới nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, phát huy lợi thế của mỗi bên để cùng phát triển.

Ngày 05/4/2022, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN).

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ KH&CN có ông Đỗ Hồng Giang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế; về phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) có TS. Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục, Lãnh đạo các đơn vị chức năng: Vụ Đo lường, Vụ Pháp chế - Thanh tra, Vụ Kế hoạch Tài chính, Viện Đo lường, thành viên Tổ tư vấn Đề án 996.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Võ Quang Lâm – Phó tổng Giám đốc, đại diện Tổng công ty Điện lực thành viên, các Ban thuộc Tập đoàn.
 

Lễ ký kết giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng cục TCĐLCL. 
 

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất hệ thống điện đạt 76.620 MW, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang bán điện trực tiếp tới gần 29,8 triệu khách hàng sử dụng điện, cũng như phục vụ điện cho gần 100 triệu dân trên cả nước.

Trong nhiều năm qua, EVN đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như triển khai mạnh các chương trình chuyển đổi số với mục tiêu tổng quát là "cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025" với 100 mục tiêu cụ thể.

Một trong các mục tiêu là xây dựng nền tảng số, hệ sinh thái số kết nối với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia, các đối tác và kết nối với khách hàng sử dụng điện. Hiện, EVN đã thực hiện kết nối với các nền tảng dữ liệu quốc gia: Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế; hệ thống Cổng dịch vụ công/Trung tâm hành chính công của các tỉnh/thành phố; kết nối với nền tảng thanh toán của các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị cung cấp dịch vụ mobile money.
 

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN. 
 

Theo ông Lâm, với mong muốn nâng cao sự hợp tác nhằm đẩy mạnh triển khai Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 (Đề án 996); góp phần thực hiện Chiến lược phát triển EVN giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trao đổi, thống nhất với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng ký Biên bản ghi nhớ.

"Bản ghi nhớ giữa EVN với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mà hai bên ký hôm nay sẽ mở ra cơ hội mới nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi bên để cùng phát triển, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các bên, đồng thời giúp cho EVN tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường trong sản xuất, kinh doanh điện năng của EVN giai đoạn đến năm 2030", ông Lâm nhấn mạnh.

Cũng phát biểu tại Lễ ký kết, TS. Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, đo lường là lĩnh vực khoa học kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Trong nhiều năm qua, EVN đã tích cực tham gia hoạt động đo lường nhằm đảm bảo, duy trì độ chính xác của phương tiện đo trong thanh toán, mua bán điện năng với hơn 29,8 triệu khách hàng sử dụng điện trên cả nước, đứng đầu khu vực ASEAN.
 

TS. Hà Minh Hiệp - Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL. 
 

Theo ông Hiệp, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0, đo lường ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm vật tư, năng lượng; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển của doanh nghiệp.

Để tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2021 phê duyệt Đề án 996. Đề án sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai áp dụng hiệu quả chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Để triển khai Đề án 996, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 về việc phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, trong đó có ngành điện và Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 về việc ban hành "Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp".

Ông Hiệp nhấn mạnh, bản ghi nhớ giữa Tổng cục TCĐLCL với Tập đoàn EVN mà hai bên ký hôm nay vừa là triển khai Đề án 996 và mở ra các cơ hội mới nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, phát huy lợi thế của mỗi bên để cùng phát triển. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các bên. Đồng thời, giúp EVN tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường trong sản xuất, kinh doanh điện năng giai đoạn đến năm 2030, thể hiện cam kết chung và tạo khuôn khổ hợp tác chính thức giữa Tổng cục TCĐLCL và EVN trong lĩnh vực đo lường.

Ông Hiệp khẳng định, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi, đưa ra nghiên cứu để “cởi trói”, tháo gỡ các vấn đề hiện nay mà chương trình đảm bảo đo lường còn vướng mắc. "Ngay sau lễ ký kết, các đơn vị chức năng hai bên sẽ cụ thể hoá các lĩnh vực phối hợp để triển khai trong thời gian tới. Tôi hy vọng, việc ký kết Bản nghi nhớ hôm nay hứa hẹn mang đến nhiều thành công", Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục nhấn mạnh.

Bản ghi nhớ giữa 2 bên tập trung vào các nội dung cụ thể phù hợp với thực tiễn yêu cầu công việc của EVN và Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng gồm:

1. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện năng.

2. Xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại các doanh nghiệp thành viên của EVN trong các lĩnh vực: sản xuất, truyền tải, kinh doanh phân phối điện năng; sản xuất, kinh doanh thiết bị điện; cung cấp dịch vụ thí nghiệm, đo lường, thử nghiệm, kiểm tra điện.

3. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện, chuẩn đo lường; thiết bị đo, thử nghiệm/thí nghiệm/kiểm tra; phép đo, phương pháp đo của các đơn vị, doanh nghiệp thành viên của EVN đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

4. Phối hợp tổ chức các Hội thảo, Hội nghị, Diễn đàn nghiên cứu khoa học, các khóa đào tạo quốc tế về đo lường điện tại Việt Nam; giới thiệu cán bộ kỹ thuật đi đào tạo về đo lường điện tại nước ngoài;

5. Phối hợp trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo, chuyển giao công nghệ về đo lường điện với các cơ quan, tổ chức đo lường các quốc gia/nền kinh tế trong khu vực và thế giới bảo đảm tuân thủ pháp luật về an toàn, an ninh quốc gia.

6. Tăng cường trao đổi, tham vấn, tham gia xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu kỹ thuật đo lường liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện năng. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra về đo lường điện.

7. Phối hợp tổ chức thi đua, khen thưởng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của EVN thực hiện tốt Chương trình đảm bảo đo lường.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1896

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)