Thứ ba, 12/04/2022 15:55 GMT+7

Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2021 – 2030 đang được Bộ KH&CN xây dựng (sắp được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành) đã xác định công nghệ tự động hóa là một trong những hướng công nghệ ưu tiên.

Phát biểu tại Hội nghị khoa học và triển lãm quốc tế lần thứ 6 về điều khiển và tự động hóa vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho hay, với bề dày 28 năm hoạt động, Hội tự động hóa Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức và doanh nghiệp lĩnh vực điều khiển, tự động hóa, tạo điều kiện phát huy hiệu quả mọi nguồn lực của ngành trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, qua 10 năm triển khai, Hội nghị khoa học và triển lãm quốc tế về điều khiển và tự động hóa đã định hình rõ nét là một diễn đàn khoa học uy tín thuộc lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa. Đây là nơi để các nhà khoa học trong và ngoài nước có thể giới thiệu kết quả các công trình nghiên cứu, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học thuật cho những người công tác trong ngành. Hội nghị cũng tạo cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp ứng dụng sản phẩm trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 – 2030 đang được Bộ KH&CN xây dựng (sắp được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành) đã xác định công nghệ tự động hóa là một trong những hướng công nghệ ưu tiên. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực điều khiển, tự động hóa cũng liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành danh mục gồm 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó, có khoảng 20 công nghệ thuộc lĩnh vực tự động hóa và danh mục 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển, trong đó có khoảng 30 sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hóa.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện.

Trong các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, công nghệ tự động hóa cũng thuộc nhóm các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu, là cấu phần quan trọng trong nhiều Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia như: Chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030,Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2030, các Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về cơ khí và tự động hóa, vật liệu, năng lượng, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0...

Thông qua Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng “đặt hàng” một số nội dung đối với Hội Tự động hóa Việt Nam trong thời gian tới. Một là, với vai trò là một trong những đầu mối quan trọng tập hợp và đoàn kết trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước, đề nghị Hội Tự động hóa Việt Nam tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa.

Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất thông minh theo hướng kết nối các khâu thiết kế - vận hành - bảo trì cùng tích hợp công nghệ quản lý trong doanh nghiệp, đồng thời ứng dụng bộ 3 giải pháp “tự động hóa – tiết kiệm năng lượng – phần mềm” trên nền tảng số, kết hợp xử lý dữ liệu lớn bằng trí tuệ nhân tạo (AI); huy động các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu tập trung giải quyết các bài toán mang tính đột phá gắn với chuyển đổi số giúp cải thiện và nâng cao mức độ tự động hóa đối với sản phẩm công nghiệp của Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới.

Hai là, Hội phối hợp cùng với Bộ KH&CN để đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Đặc biệt, Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn tới “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa” nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa.

Ba là, Bộ KH&CN rất mong nhận được nhiều ý kiến góp ý cho việc xây dựng chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, với mạng lưới liên kết rộng khắp với các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa, chúng tôi tin rằng, những góp ý của Hội sẽ là những luận cứ rất xác đáng, hữu ích cho công việc quan trọng.

Cùng chia sẻ tại sự kiện, TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, VCCA 2021 là sự kiện khoa học, công nghệ ở quy mô quốc gia, quốc tế ngày càng có uy tín và được sự ủng hộ của các bộ ngành, địa phương và sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các viện trường, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tự động hóa. Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số nhà khoa học nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài không thể tham dự như thường lệ, nhưng VCCA-2021 vẫn là 1 sự kiện lớn và sẽ có kết quả tốt đẹp”.

Như thường lệ, VCCA 2021 diễn ra với 3 hoạt động chính: Hội nghị Khoa học, Triển lãm quốc tế & Diễn đàn Doanh nghiệp nhằm kết nối và khai thác có hiệu quả sự liên kết giữa nhà Quản lý, nhà Khoa học và Doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 5693

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)