Thứ ba, 26/04/2022 22:30 GMT+7

Công tác tiêu chuẩn hóa phải khích lệ được sự đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Đối với lĩnh vực năng suất chất lượng, mục tiêu đặt ra là công tác tiêu chuẩn hóa phải khích lệ được sự đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, trong từng cá nhân và từng nhóm, lĩnh vực sản xuất.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), các nền kinh tế thành viên đã thảo luận và nghiên cứu các giải pháp để tăng năng suất, trong đó có "đi tắt đón đầu" thông minh bằng đổi mới sáng tạo, cải cách mô hình quản lý đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, những năm qua, hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói riêng đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, đã triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ doanh nghiệp.

Với mục đích xây dựng môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, được sự hỗ trợ của APO, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam. (Ảnh: Hán Hiển)

Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm cho hay, Kế hoạch góp phần đưa năng suất vào các chương trình phát triển quốc gia, tăng cường vai trò của năng suất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề xuất các hành động cần phải được thực hiện bởi các bộ, ngành, cơ quan nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng năng lực hấp thụ vốn, con người, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông và hạ tầng logistics, bố trí và phân bổ các nguồn lực.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, đối với lĩnh vực năng suất chất lượng, mục tiêu đặt ra là công tác tiêu chuẩn hóa phải khích lệ được sự đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, trong từng cá nhân và từng nhóm, lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực mới như IoT, blockchain, thương mại số, thương mại điện tử, in 3D, sản xuất thông minh sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Trên phạm vi thế giới, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) – Ban Kỹ thuật ISO/TC 270 đã xây dựng Bộ Tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo. Một số tiêu chuẩn đã ban hành liên quan đến quản lý đổi mới như thuật ngữ, công cụ và phương pháp. Các tiêu chuẩn này nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống. Các tiêu chuẩn này bao gồm: Cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới một cách có hệ thống…

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 có thể được áp dụng cho tất cả tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới.

ISO 56000 cung cấp đầy đủ thông tin mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần để tạo ra một hệ thống đổi mới trong các tổ chức của họ với thông qua phân tích những năng lực cốt lõi của doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực gồm: Chiến lược, văn hóa, quá trình, công cụ và kỹ thuật, thước đo.

Hiện nay, tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệđã mời các chuyên gia từ các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành liên quan, hiệp hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng tiêu chuẩn quốc tế thuộc các Ủy ban Kỹ thuật của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế liên quan đến tự động hóa, thương mại số, thương mại điện tử, sản xuất thông minh, đổi mới sáng tạo để nắm bắt những xu thế mới nhất hiện nay và tư vấn cho Chính phủ về đổi mới sáng tạo.

"Chúng tôi đã và đang nỗ lực, hoàn thiện xây dựng các nhóm chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, bởi không dễ để đo, đếm được hàm lượng đổi mới sáng tạo, cũng như tách bạch các chỉ số", ông Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

 

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1030

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)