Ngày 20/4 hằng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu; đồng thời khơi dậy nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, qua đó đóng góp tích cực vào việc xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) nhấn mạnh: Chương trình Lễ kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4/2022 được tổ chức nhằm thúc đẩy công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đồng thời tôn vinh những thương hiệu đã khẳng định được uy tín, chất lượng, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí khẳng định: trong dòng chảy của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu đã trở thành một trong những tài sản có giá trị của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Việc bảo hộ thương hiệu không chỉ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu thương hiệu, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, trong nhiều trường hợp còn là bảo vệ lợi ích quốc gia.
Hiện nay, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, cả trong thương mại truyền thống và đặc biệt trong thương mại điện tử. Không ít đối tượng có hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm mục đích trục lợi, gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng.
Do đó, theo Cục trưởng Đinh Hữu Phí, để phát triển và bảo vệ thương hiệu trên thị trường cả trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp Việt cần nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu, chú trọng công tác đăng ký nhãn hiệu, kể cả ở nước ngoài để phòng tránh nguy cơ bị mất thương hiệu, đồng thời cần chủ động bảo vệ thương hiệu, tích cực phối hợp các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện hành vi xâm phạm và kịp thời đề nghị xử lý hành vi xâm phạm.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng chia sẻ, là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; trực tiếp quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ luôn nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động như hoàn thiện thể chế, chính sách về sở hữu trí tuệ, triển khai “Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ đến năm 2030”, nâng cao năng suất, chất lượng xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cung cấp thông tin, ý kiến chuyên môn về sở hữu trí tuệ giúp các cơ quan thực thi có cơ sở để xử lý hành vi xâm phạm quyền. Cục Sở hữu trí tuệ cam kết luôn tích cực hỗ trợ, đồng hành với tinh thần trách nhiệm cao nhất cùng cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thực thi và toàn xã hội để thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng được xây dựng, bảo vệ hiệu quả và phát triển lớn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã tặng Bằng khen cho một số đơn vị, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu./.