Thứ sáu, 20/05/2022 20:10 GMT+7

Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 và Trao giải cuộc thi sáng kiến khoa học

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sáng 17/5/2022, Báo VnExpress (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit) và trao giải Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022.

Chương trình là cầu nối để các nhà khoa học trẻ chia sẻ góc nhìn, sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp để đổi mới sáng tạo, tận dụng thế mạnh của tri thức và khoa học công nghệ, đồng thời, góp phần thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Đinh Tùng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh về công nghệ vì thế thúc đẩy các sáng kiến trong giới trẻ là cần thiết. Việt Nam trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hiện nay đến giai đoạn cần bứt phá hơn, chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ mà cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để làm được điều đó, có rất nhiều điều phải chuẩn bị, cụ thể là chuẩn bị nguồn lực từ sớm, từ xa, đào tạo từ các trường trung học phổ thông, như vậy, trong tương lai, nhân lực mới góp phần vào sự phát triển của đất nước. Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 - Thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ mang tính khích lệ, với bối cảnh cạnh tranh khoa học trên toàn thế giới, người trẻ có động lực quan tâm đến khoa học và công nghệ, tự nhiên thay vì quan tâm đến kinh tế, thương mại như trước đây.
 

Tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo khoa học trong giới trẻ”. Ảnh: Đinh Tùng

Tại Hội nghị đã diễn ra Tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo khoa học trong giới trẻ”. Các diễn giả đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của những người nghiên cứu trẻ, họ cần hỗ trợ gì từ những doanh nghiệp dẫn dắt… đồng thời nhấn mạnh cách thức kết nối các mắt xích công nghệ tại Viện trường và doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong giới trẻ.

Kết thúc Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 đã diễn ra Lễ Trao giải cuộc thi sáng kiến khoa học năm 2022, cuộc thi mong muốn tạo một sân chơi dành cho các nhà khoa học chuyên và không chuyên dưới 40 tuổi, truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. Cuộc thi hướng đến 5 lĩnh vực gồm: y sinh - hóa sinh, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới.

Phát động từ tháng 2/2022, sau 4 tháng cuộc thi đã thu hút hơn 100 hồ sơ tham gia, 88 hồ sơ hợp lệ bước vào vòng sơ loại. Ban tổ chức đã chọn 29 dự án vào vòng chung kết.
 

Thứ trưởng Bùi Thế Duy chụp ảnh cùng đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo và các tác giả 7 sáng kiến. Ảnh: Đinh Tùng

Tại buổi Lễ, Ban Tổ chức đã trao 7 giải thưởng cho các tác giả. Theo đó, giải Đặc biệt (trị giá 100 triệu đồng) được trao cho sáng kiến "Giải pháp kết hợp công nghệ vệ tinh và chà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả" của tác giả Đồng Quang Hùng. Với giải pháp này, ngư dân chỉ cần thả 3-5 phao dò cá đặt cạnh 3-5 chà tại các vị trí khác nhau. Dựa vào các dữ liệu phao dò cá gửi về thông qua sóng vệ tinh, chủ tàu có thể xác định vị trí đánh bắt, các tín hiệu dự báo như: Tọa độ, cá ở độ sâu bao nhiêu, khối lượng cá dự kiến, nhiệt độ nước, dòng chảy... Khi có tín hiệu cá, ngư dân mới thực hiện đánh bắt, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nhiên liệu, chi phí mỗi chuyến đi.
 

Thứ trưởng Bùi Thế Duy (trái) trao giải đặc biệt cho đại diện nhóm tác giả đoạt giải. Ảnh: Đinh Tùng

Giải Nhất cuộc thi (trị giá 50 triệu đồng) được trao cho sáng kiến "Chiết tách lycopen từ quả gấc" của nhóm nhà khoa học G5-nhóm nghiên cứu phát triển vật liệu mới thuộc Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Đây là công trình đã tách chiết thành công lycopen tinh khiết 98% và nano lycopen dễ tan trong nước.

Thiết bị phẫu thuật nội soi xương 3D nhằm lấy triệt để khối u nhưng không làm tổn thương các lớp sụn, xương của bệnh nhân khi mổ. Nghiên cứu của nhóm BS chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, Phụ trách trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh và các cộng sự từ Đại học VinUni phát triển nhận giải Nhì, giải thưởng trị giá 30 triệu đồng.

Công nghệ Deep Signature do nhóm của PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Đại học Bách khoa TP HCM (ĐHQG TP HCM) nghiên cứu, nhận giải Ba (trị giá 20 triệu đồng). Dự án giúp nhà sản xuất kích hoạt mã ID đại diện duy nhất cho sản phẩm bằng công nghệ blockchain để người tiêu dùng có thể xác thực nguồn gốc chính hãng.

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 3 giải Khuyến khích (trị giá mỗi giải 10 triệu đồng) cho các giải pháp khác: Trà định tâm Assamica của nhóm MEDTECH do Nguyễn Long Hoàng (23 tuổi), vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM dẫn đầu; Thiết bị tự động đo thân nhiệt phòng COVID-19, điểm danh bằng thẻ RFID giúp dễ quản lý học sinh, là sáng chế từ nhóm của thầy giáo Lê Đức Quốc, Trrường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Thạnh Lộc (Kiên Giang); Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy chưa sử dụng được tiếng Việt của nhóm Dream Makers do Đoàn Thị Hà Giang (18 tuổi) học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên làm trưởng nhóm.

Theo Ban Tổ chức, các sáng kiến được vinh danh đều có giá trị thiết thực giải quyết vấn đề từ cuộc sống, tiềm năng ứng dụng góp phần tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế.

 

Nguồn: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5276

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)