Thứ tư, 25/05/2022 15:00 GMT+7

Hội nghị quốc tế “Khoa học và Nghiên cứu cho các Khu dự trữ sinh quyển thế giới UNESCO”

Từ ngày 16 - 20/5/2022 tại Khu Dự trữ sinh quyển Schorfheide-Chorin của Cộng hoà Liên bang Đức đã diễn ra Hội nghị quốc tế “Khoa học và Nghiên cứu cho các Khu dự trữ sinh quyển thế giới UNESCO”.

Hội nghị do Viện Nghiên cứu Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thuộc Trường Đại học Eberswalde vì Phát triển Bền vững (Cộng hoà Liên bang Đức) chủ trì tổ chức.

Mục đích của hội nghị là đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu khoa học của Kế hoạch hành động LIMA thuộc Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO và từ đó thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ về Phát triển bền vững SDG.

Nghiên cứu khoa học tại Mạng lưới các Khu DTSQ thế giới, bao gồm 727 khu từ 131 quốc gia, được thúc đẩy thông qua trao đổi các kết quả nghiên cứu và việc chia sẻ các ví dụ thành công trong tài trợ cho các nghiên cứu này.

Khoảng hơn 100 nhà khoa học trẻ và các nhà quản lý khoa học trên khắp thế giới đã đến dự hội nghị. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và tài trợ cho nghiên cứu tại các Khu DTSQ trên thế giới.

Việt Nam có hai đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban thư ký của Chương trình Con người và Sinh quyển. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo về hỗ trợ của Bộ KH&CN đối với các chương trình khoa học tự nhiên của UNESCO nói chung và các đề tài nghiên cứu cho Chương trình Con người và Sinh quyển, cũng như các Khu DTSQ Việt Nam nói riêng.

Tất cả các khu DTSQ trong mạng lưới khu DTSQ của Việt Nam đều hoạt động tích cực và hiệu quả. Đặc biệt là nhiệm vụ nâng cao nhận thức, tuyên truyền giáo dục, triển khai và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, đưa KH&CN vào nâng cao hiệu quả quản lý. Các khu DTSQ đều nỗ lực xây dựng nâng cao hình ảnh để phát triển du lịch, kinh tế chất lượng, hợp tác quốc tế.

Nghiên cứu khoa học được triển khai mạnh tại các khu DTSQ. Nội dung nghiên cứu đa dạng, tiếp cận các phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu mới, hiện đại thúc đẩy các đề tài nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực về các vấn đề bức xúc tại các địa phương như nghiên cứu tập tính các loài sinh vật, đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa - lịch sử, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sinh kế, nghiên cứu phát triển du lịch, kiến thức bản địa về công viên địa chất, xây dựng mô hình bảo tàng thiên nhiên - văn hóa mở, đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội,...

Bộ KH&CN đã hỗ trợ các đề tài nghiên cứu được triển khai tại các khu DTSQ thế giới ở Việt Nam. Đây là điểm rất sáng tạo vừa tạo ra sản phẩm các bài báo khoa học theo tiêu chí quốc tế, vừa cung cấp những cơ sở khoa học góp phần giải quyết những nhu cầu trước mắt và lâu dài của địa phương. Đến nay, toàn bộ các khu DTSQ đều có nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội như du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa, sinh kế bền vững cho người dân,... góp phần vào phát triển bền vững cho địa phương. Các nhà khoa học trong lĩnh vực tự nhiên đã phối hợp liên ngành với các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, dân tộc, du lịch,... để tìm ra những mô hình phát triển bền vững. Đến nay có 10 nhiệm vụ (thuộc Chương trình MAB) đã được nghiệm thu cấp quốc gia với kết quả nghiệm thu 02 nhiệm vụ đạt ở mức xuất sắc, 08 nhiệm vụ hoàn thành ở mức đạt. Các sản phẩm dạng I là các mô hình quản lý, phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia của cộng đồng địa phương (12 mô hình). Các sản phẩm dạng II (báo cáo, cơ sở dữ liệu, bản đồ, bộ tiêu chí đánh giá, sổ tay hướng dẫn, mô hình, bộ mẫu vật thiên nhiên, hiện vật văn hóa, các giải pháp, quy trình);  công bố 10 bài báo trên các tạp chí quốc tế; 09 sách chuyên khảo và atlat thực vật chí; 36 bài báo trong nước; đào tạo 22 thạc sỹ và góp phần đào tạo 12 nghiên cứu sinh.

Các mô hình xây dựng tại các Khu DTSQ sẽ được nhân rộng tại các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam khác nghiên cứu và tham khảo.

Các đại biểu cũng được đi thực địa tại Khu DTSQ để trao đổi kinh nghiệm bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.



Các đại biểu đi thực địa trao đổi kinh nghiệm tại Khu DTSQ Schorfheide- Chorin (CHLB Đức)

Nguồn: Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên

Lượt xem: 1457

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)