Thứ ba, 05/07/2022 09:05 GMT+7

Nhận diện điểm “nghẽn” tốc độ tăng năng suất và lời giải cho bài toán tăng trưởng bền vững

Theo TS. Hà Minh Hiệp, sau nhiều năm nỗ lực, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam đã đứng trong top 10 Đông Nam Á, tuy nhiên, thời gian gần đây đang có xu hướng chững lại do các yếu tố như lao động, vốn và TFP.

      Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo động lực tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế bền vững" ông Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam cho biết, ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Kế hoạch 36), trong đó đưa ra mục tiêu xây dựng, triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh, thành phố.

Hội thảo cung cấp những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp các địa phương xây dựng, triển khai Kế hoạch 36 hiệu quả, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội địa phương.

Trong khuôn khổ Hội thảo, chia sẻ về Chiến lược, giải pháp thúc đẩy tăng năng suất: Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào thực tế Việt Nam, TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học quốc gia Singapore cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm cho tất cả quốc gia trên thế giới điêu đứng, tuy nhiên dân tộc nào sau đại dịch có thể vực lên được là bài toán cần lời giải mà thế giới đang hướng đến, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam được biết đến là quốc gia có vị trí địa lý vô cùng chiến lược, với tốc độ phát triển như hiện nay việc “cất cánh” thành quốc gia phát triển là bài toán rất lớn và khó. Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng khoa học công nghệ và coi đó là bước đột phá để phát triển. Có thể thấy con đường đi lên của các dân tộc đều bắt nguồn từ việc đầu tư vào khoa học kỹ thuật, kể đến những mô hình kinh điển để tham khảo như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, mức độ GDP/đầu người sẽ tương ứng với mức đầu tư khoa học kỹ thuật, mức sáng tạo.

Ông Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Cũng theo TS. Vũ Minh Khương, Việt Nam đang có nhiều dấu ấn hội nhập rất lớn, trong đó có dấu ấn với Hàn Quốc. Dường như trong tương lai sẽ theo sự tương xứng với Hàn Quốc, thậm chí có những bước đột phá hay hơn, có tính thời đại hơn, bởi sự cộng hưởng của dân số tăng dần trong nước.

Có thể thấy, bài toán tăng trưởng muốn bền vững rõ ràng phải là năng suất, cụ thể năng suất lao động cấu thành hai vấn đề chính là thu nhập cho người lao động và tiền thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, tăng năng suất lao động cũng chính là thước đo đầu tư của tăng năng suất.

Ở bình diện quốc gia, trong giai đoạn đầu năng suất lao động có thể tăng trưởng khi chưa cần tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ mà chỉ cần chuyển dịch nguồn lực, cơ cấu đất đai, con người, vốn vào lĩnh vực mới, có năng suất cao hơn như từ nông nghiệp sang lĩnh vực chế biến chế tạo, dịch vụ thì hiển nhiên năng suất lao động vẫn sẽ tăng lên tự nhiên mà chưa cần đến khoa học sáng tạo. Chính vì vậy, khoa học công nghệ vẫn có sự lép vế, chưa thấy rõ được vai trò. Đây được xem là bài toán thách thức đặt ra trong giai đoạn tiếp theo, làm sao ngoài chuyển dịch cơ cấu vĩ mô như vậy có thể chuyển sang chuyển dịch cơ cấu thang giá trị.

Nói đến 8 xu thế thời đại, theo TS Khương, xu thế nhứ nhất là biến động khác thường như Chiến tranh Nga – Ukraina, dịch Covid -19… chính vì vậy, doanh nghiệp không chỉ định hướng mở rộng mà phải xây dựng nền móng vững chắc, đương đầu với thách thức khó và có dự cảm trong thời gian tới…

Xu thế thứ hai chính là toàn cầu hóa, cũng là xu thế mà Việt Nam đã nắm bắt rất tốt như đầu tư nước ngoài, giao lưu với thế giới thông qua các Hiệp định thương mại tự do, xuất nhập khẩu… Khai thác được xu thế này chính là nguồn của cải dồi dào mà doanh nghiệp cần nắm bắt.
 

Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học quốc gia Singapore.

Xu thế thứ ba là sự trỗi dậy của Châu Á, ví dụ như Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, bán dẫn, công nghệ số,… đặc biệt dân số đông đúc được khai thác để phát triển. Hay tại Ấn Độ trong 1-2 năm qua đã có bước tiến mạnh với lộ trình rõ ràng… Đối với Việt Nam đang có đà, đã vượt qua thách thức và tiềm năng lớn, có vị trí chiến lược, kỳ vọng tương lai thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài.

Xu thế thứ tư là đô thị hóa, các thành phố mọc lên khắp nơi, thành phố nhỏ to ra, những nơi là thị xã, thị trấn sẽ chuyển dịch lên dần thành phố… Chính vì vậy, việc dịch chuyển lên đô thị trong 30 năm tới là rất cần thiết.

Xu thế thứ năm là già hóa dân số, hiện nay lực lượng lao động đang ngày một già hóa, gánh nặng xã hội trở nên lớn hơn, bên cạnh đó việc già đi trước khi giàu còn là mối đe dọa và là vấn đề cấp bách cần được thực thi chính sách từ sớm.

Xu thế thứ sáu là trách nhiệm xã hội, nếu không đưa vào thì doanh nghiệp mất ưu thế trên thị trường.

Xu thế thứ bảy là cách mạng số. Cuộc cách mạng này giúp mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, tổ chức, công ty có cơ hội trở nên thông minh và tăng hiệu quả vượt bậc. Tuy nhiên, biến cơ hội này thành thành quả đòi hỏi nỗ lực đột phá và bền bỉ để không ngừng tăng mức trưởng thành số.

Xu thế thứ tám là cách mạng xanh và phát triển bền vững. Cuộc cách mạng này tạo bước đột phá trong lĩnh vực năng lượng, cả về cung, cầu, hệ thống vận hành. Hàng nghìn tỷ đô la đầu tư, xe điện, sạc điện sẽ phát triển nhanh và rộng khắp. Giá điện mặt trời và gió sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Cách mạng số và cách mạng xanh đang tạo ra cơ hội chưa từng có để Việt Nam có bước đột phá với sức mạnh lan tỏa to lớn trong thời gian tới.

Chia sẻ về chính sách quốc gia và triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp cho hay, nhìn lại chặng đường 50 năm năng suất của Singapore có thể thấy, thứ làm nên thành công của quốc gia này chính là tư duy. Một quốc gia bị nhiều nước đô hộ, từ việc người lao động luôn có tư duy chống lại chủ họ thay đổi sang thái độ tích cực, thông qua việc người lao động và chủ cùng bắt tay nhau trong công việc.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm của Singapore còn có sự quan tâm của lãnh đạo và biểu tượng năng suất của Singapore chính là con ong – biểu trưng cho sự thống nhất từ tư tưởng, tư duy đến hành động. Như vậy có thể thấy hoạt động năng suất đóng góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội.

Tại Việt Nam, ngành khoa học công nghệ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ và đã có đóng góp rất nhiều cho năng suất chất lượng. Sau nhiều năm nỗ lực, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam đã đứng trong top 10 Đông Nam Á, tuy nhiên, thời gian gần đây đang có xu hướng chững lại do các yếu tố như lao động, vốn và TFP. Có thể kể đến điểm nghẽn như: thứ nhất, chiến lược năng suất tích hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, ở các doanh nghiệp, tập đoàn tại Việt Nam hiện vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc tích hợp này.
 

Lễ trao chứng chỉ Chuyên gia năng suất quốc tế theo tiêu chuẩn APO 

Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho người lao động tham gia khóa đào tạo về năng suất, tuy nhiên để áp dụng vào thực tiễn vẫn chưa biết cách. Chính vì vậy, việc đào tạo không đơn thuần chỉ là lý thuyết mà cần gắn chặt với thực tiễn, đào tạo đội ngũ có chất lượng, kỹ năng. 

Cũng tại Hội thảo các đại biểu đã nghe TS. Cao Hoàng Long, Trưởng phòng Giải pháp quản lý và đổi mới sáng tạo - Viện Năng suất Việt Nam trình bày giới thiều về “Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 – đảm bảo thành công và thúc đẩy hiệu quả đổi mới sáng tạo cho các tổ chức, doanh nghiệp”. 

Lễ trao chứng chỉ Chuyên gia năng suất quốc tế – Theo tiêu chuẩn APO cho các chuyên gia năng suất quốc tế đầu tiên của Việt Nam đã được tổ chức nhân dịp hội thảo. Các chuyên gia đáp ứng xuất sắc tiêu chuẩn của APO và được chuyên gia do APO chỉ định đánh giá theo đúng chuẩn mực tiêu chuẩn APO-PS:101.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 935

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)