Thứ sáu, 05/08/2022 11:01 GMT+7

Đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chiều ngày 3/8, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kế hoạch công tác TCĐLCL năm 2023.

Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đinh Nguyên Phương Thảo và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.

Tại buổi làm việc, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch TCĐLCL năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, bà Đinh Nguyên Phương Thảo cho biết, trong năm năm 2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trình công bố 35 TCVN, trong đó: 01 TCVN lĩnh vực di sản văn hóa (thuộc nhiệm vụ năm 2019-2020 gia hạn công bố 2021-2022); 01 TCVN lĩnh vực thư viện và 33 TCVN thuộc lĩnh vực thể dục thể thao.
 

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
 

Đối với các nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2021 và gia hạn cuối năm 2022, Bộ tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện triển khai đối với 08 dự án/29 TCVN thuộc các lĩnh vực văn hóa (Âm nhạc; Di sản văn hóa), thể dục thể thao và 03 dự án/3 TCVN gia hạn công bố cuối năm 2022 (Mỹ thuật: Di sản văn hóa); Dự kiến thành lập Hội đồng thẩm tra 11 hồ sơ dự án xây dựng TCVN (với 32 TCVN), hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố 32 TCVN.

Đối với các nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2022, triển khai nhiệm vụ đảm bảo theo đúng tiến độ đã quy định gồm 06 dự án xây dựng 06 QCVN thuộc lĩnh vực thể thao; 08 dự án xây dựng 13 TCVN thuộc các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Quyết định số 3401/QĐ-BVHTTDL ngày 22/12/2021).

Nhìn chung, việc đề xuất xây dựng TCVN đã bám sát theo danh mục tiêu chuẩn quốc gia đã được đề nghị điều chỉnh, bổ sung xây dựng đến năm 2021 (Công văn số 5598/BVHTTDL-KHCNMT ngày 28/12/2017); chấp nhận hệ thống tiêu chuẩn quốc tế (ISO), tham khảo hệ thống tiêu chuẩn khu vực (BSEN) tương ứng; tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học, các giáo trình giảng dạy đối với những đối tượng áp dụng phương thức xây dựng mới.

Bà Đinh Nguyên Phương Thảo cho hay, việc xác định đối tượng tiêu chuẩn hóa được tiến hành nghiêm túc thông qua hình thức họp các Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước khi gửi đăng ký kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo thông báo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Cũng theo bà Thảo, về thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015, bước đầu đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị trong ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính, là công cụ quan trọng duy trì các chuẩn mực đối với toàn bộ thủ tục hành chính theo quy định, đồng thời đáp ứng nhu cầu của công việc cũng như trong công tác quản lý có hiệu lực, hiệu quả của việc áp dụng HTQLCL theo TCVN 9001.
 

Bà Đinh Nguyên Phương Thảo - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (ngồi giữa) chia sẻ tại buổi làm việc.
 

Bên cạnh đó, việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 đã nâng cao nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thống nhất quy định, quy trình và các bước thực hiện, thiết lập cơ chế giải quyết công việc rõ ràng, rành mạch, đồng bộ và thống nhất từ đó hiệu quả công việc tốt hơn, khoa học hơn. Cán bộ, công chức được phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện cho quá trình xử lý công việc quy chuẩn hơn và định lượng được trong đánh giá, ghi nhận chất lượng công việc được giao, từ đó đôn đốc cán bộ, công chức xây dựng phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí việc làm được giao.

Nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện thống nhất; hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp, thuận tiện cho việc sử dụng. Cán bộ, công chức giải quyết các công việc theo quy trình của HTQLCL đã góp phần tiết kiệm được thời gian, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

Trong hoạt động đánh giá phù hợp, công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, bà Thảo cho biết, đối với hàng hóa văn hóa xuất khẩu, nhập khẩu: Danh mục hàng hóa văn hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bao gồm các mặt hàng, tác phẩm thuộc lĩnh vực: di sản văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, vui chơi giải trí, đồ chơi trẻ em.

Việc quản lý xuất, nhập khẩu các mặt hàng này hiện được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương năm 2018, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đầu tư, Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa cùng các Nghị định, Thông tư chuyên ngành có liên quan...

Các văn bản pháp luật này được xây dựng, triển khai thực hiện theo đúng cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Nghị quyết số 71/2006/NQ-QH11 ngày 29/11/2006 về việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới và cam kết với các tổ chức, các nước của Việt Nam...

Theo đó, hàng hóa văn hóa được phép xuất nhập khẩu trên phải đáp ứng yêu cầu về nội dung văn hóa được phổ biến, lưu hành tại thị trường Việt Nam, đáp ứng điều kiện về đối tượng được phép nhập khẩu, xuất khẩu. Cơ quan văn hóa không quy định về chất lượng và không kiểm tra đặc tính kỹ thuật, hay tính chất vật lý, hóa học, khả năng gây mất an toàn... của sản phẩm văn hóa nhập khẩu, xuất khẩu.

Các mặt hàng văn hóa không thuộc sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, không yêu cầu ý kiểm tra nhà nước về chất lượng (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) theo quy định tại khoản 2a, 2b Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018). Việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa văn hóa thời gian qua được cơ quan văn hóa thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nội dung hàng hóa và chỉ cho phép phổ biến, lưu hành sản phẩm sau khi đáp ứng quy định của pháp luật.

Riêng mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu cơ quan văn hóa không cấp phép nhập khẩu, việc ban hành các quy định về điều kiện kỹ thuật và kiểm tra việc đáp ứng điều kiện này do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện theo phân công của Chính phủ.

Đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu các loại vũ khí thể thao trong việc tập luyện và thi đấu thể thao được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan. Theo quy định pháp luật hiện nay, Bộ Công an là cơ quan cấp phép nhập khẩu, cung cấp các loại vũ khí thể thao trong việc tập luyện và thi đấu thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khi có nhu cầu sử dụng thì đề nghị Bộ Công an cung cấp theo quy định của pháp luật.

Thực hiện việc quản lý nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường, tại các cơ sở sản xuất, trong năm 2022-2023 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao các đơn vị triển khai xây dựng 06 QCVN về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với trang thiết bị sử dụng tại cơ sở tập luyện và thi đấu môn Leo núi thể thao và môn Lặn biển thể thao; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị luyện tập tại chỗ, thiết bị thể dục dụng cụ, thiết bị bể bơi và trang thiết bị bảo vệ trong võ thuật. Hệ thống văn bản pháp lý đã ban hành phần nào đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động của các cơ sở thể dục, thể thao như quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn.

Trong công tác thanh, kiểm tra về chất lượng hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch; chất lượng hoạt động kinh doanh các cơ sở thể thao, điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, bà Thảo cho biết, đối với lĩnh vực thể thao, triển khai 3 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó, 2 đoàn thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh hoạt động thể thao đối với 27 cơ sở tại 3 tỉnh; 1 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác tổ chức của 1 giải thi đấu thể thao. Đã ban hành các Kết luận thanh tra, kiểm tra.

Về cơ bản, các cơ sở đã chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, một số tồn tại như: tủ thuốc chưa đảm bảo danh mục thuốc, biển báo khu vực bể bơi gắn tại các vị trí khó quan sát; chưa hoàn thiện lắp đặt thiết bị cảnh báo và hệ thống báo động khi có sét trên toàn mặt sân golf,... Thanh tra Bộ kiến nghị các cơ sở khắc phục kịp thời tồn tại, chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Đối với lĩnh vực du lịch, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 đối với 31 cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch tại 5 tỉnh. Đã ban hành các kết luận thanh tra, kiểm tra. Các cơ sở về cơ bản đã chấp hành quy định pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Tình hình quản lý chất lượng và hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý, năm 2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai xây dựng 06 dự án xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (với 06 TCVN) lĩnh vực thể dục thể thao về an toàn đối với trang thiết bị sử dụng tại cơ sở tập luyện và thi đấu môn Leo núi thể thao và môn Lặn biển thể thao; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị luyện tập tại chỗ, thiết bị thể dục dụng cụ, thiết bị bể bơi và trang thiết bị bảo vệ trong võ thuật.
 

TS. Hà Minh Hiệp tặng sách về TCĐLCL cho bà Đinh Nguyên Phương Thảo
 

Việc quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng này tuân theo các quy định của Luật Thương mại, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các Nghị định, Thông tư (C/O và C/Q). Trong đó, việc chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp do cơ quan nhà nước thuộc Bộ có thẩm quyền thực hiện dựa trên cơ sở xem xét năng lực thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp đáp ứng với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và các yêu cầu khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Công tác quản lý nhà nước về đo lường của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới triển khai thực hiện ở bước rà soát, thống kê danh mục các thiết bị đo thành tích thể thao. Do tính chất sử dụng các thiết bị đo thành tích thể thao chủ yếu phục vụ công tác chuyên môn nên các phương tiện đo do các Trung tâm huấn luyện quốc gia quản lý và chưa thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Do hệ thống văn bản quy phạm kỹ thuật chưa hoàn chỉnh nên khi thanh, kiểm tra đo lường còn gặp khó khăn.

Sau khi lắng nghe báo cáo từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đại diện Tổng cục TCĐLCL đã đưa ra đánh giá cụ thể, theo đó Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có sự phối hợp tốt với Tổng cục trong công tác xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng tiêu chuẩn, QCVN; công tác đánh giá sự phù hợp, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa; công tác TBT… Đại diện 2 bên đã có sự trao đổi thẳng thắn, khách quan về những mặt tích cực cần phát huy cũng như một số điểm hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1830

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)