Thứ tư, 17/08/2022 12:29 GMT+7

"Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - Những vấn đề cần lưu ý"

Để bảo đảm các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được triển khai đúng, đi vào thực tiễn, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đang phối hợp với các cơ quan tổ chức phổ biến Luật cho các nhóm chủ thể có liên quan, đồng thời tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết.

 

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Ngày 16/8, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức Hội thảo "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - Những vấn đề cần lưu ý".

Tham dự Hội thảo, có gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền SHTT ở Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp...

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, Luật SHTT được Quốc hội thông qua năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt-tài sản trí tuệ.

Qua thực tiễn 16 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý về SHTT, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định.

Vì vậy, Luật SHTT đã được đề xuất sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục những vướng mắc, bất cập thực tiễn và nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (Luật số 07/2022/QH15), có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
 

Phó Cục trưởng Cục SHTT Nguyễn Văn Bảy phát biểu tại Hội thảo.
 

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, ngoài tuyên truyền, phổ biến cho các nhóm chủ thể có liên quan, Cục SHTT đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo kế hoạch, trước mắt là sửa đổi một số nghị định của Chính phủ như Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quản lý nhà nước và bảo vệ quyền SHTT...

 Tại Hội thảo, Phòng Pháp chế và Chính sách (Cục SHTT) lưu ý những điểm mới của Luật, tập trung vào các nhóm chính sách lớn như: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp... Trong đó, các thay đổi liên quan đến các chế định bảo hộ nhãn hiệu là điều mà các doanh nghiệp quan tâm trước hết.

Luật đã mở rộng việc bảo hộ đến nhãn hiệu âm thanh bên cạnh nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình. Các tiêu chí đánh giá các nhãn hiệu nổi tiếng, cũng như các căn cứ để từ chối, hủy bỏ hay chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu cũng là những điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm và nắm được các quy định mới để vận dụng tốt nhất cũng như bảo hộ nhãn hiệu của mình.

Các ý kiến từ đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, SHTT là yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế và quốc gia.

Doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm xác lập quyền SHTT để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn, hợp pháp, và có thể chuyển giao hoặc chuyển nhượng các độc quyền này cho các chủ thể khác để thu lợi.

Theo báo cáo của Cục SHTT, trong giai đoạn 2010-2021, tại Việt Nam có hơn 65.000 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, trên 5.000 đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, 31.000 đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 480.000 đơn đăng ký nhãn hiệu cùng hơn 313.000 văn bằng được cấp.

Trong số đó, năm 2021, chủ thể là doanh nghiệp chiếm 40,15% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế (tăng từ 30,47% của năm 2010) và chiếm 30% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích (tăng từ 25,6% năm 2010).

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2532

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)