Thứ sáu, 30/09/2022 05:56 GMT+7

Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trên không gian mạng nói riêng

Trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc nhận thức và thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu trên mọi mặt trận, đặc biệt trên không gian số là yếu tố cực kỳ quan trọng và mang lại nhiều lợi thế cho bản thân doanh nghiệp và quốc gia.

 Toàn cảnh Hội nghị tại Hà Nội.

Triển khai Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn III (Chương trình 168), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ, Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ tổ chức chuỗi sự kiện: “Hội nghị bàn tròn về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến” và Hội thảo “Bảo vệ thương hiệu và nhận diện sản phẩm”.

Chuỗi sự kiện diễn ra tại 02 thành phố (tại Hà Nội từ ngày 26-27/9/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 28-29/9/2022).

Tham dự sự kiện tại Hà Nội, có ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN; Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao; Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các thành viên Ban Thường trực Chương trình 168 thuộc 09 bộ, ngành; đại diện một số cơ quan liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trung ương và địa phương, một số doanh nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp.
 

 Đại sứ Marc E.Knapper khẳng định: Hoa Kỳ sẵn sàng phối hợp cùng Việt Nam trong bảo vệ quyền SHTT.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper cho biết, hiện nay, quyền SHTT là một trong những quyền đang rất được quan tâm đem lại lợi ích trong trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, với sự phức tạp trên không gian mạng, quyền SHTT dễ bị xâm phạm. Việc xâm phạm quyền SHTT không chỉ gây nhiều thiệt hại đến chủ sở hữu mà còn tác động tiêu cực đến người dùng.

Đại sứ Hoa Kỳ khẳng định, việc gia tăng thương mại điện tử bổ sung thêm các thách thức mới khiến những đối tượng xâm phạm quyền SHTT vượt qua các khâu kiểm soát, vận chuyển hàng giả, hàng nhái đến tận tay khách hàng, khiến cho khách hàng có những trải nghiệm không tốt về sản phẩm. Bên cạnh đó, các phần mềm không được cấp phép với mức giá rẻ hơn cũng khiến cho người tiêu dùng đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng…đang mang lại những nguồn lợi khổng lồ cho các đối tượng phạm tội, tác động lớn đến các hoạt động sản xuất, tạo gánh nặng cho Việt Nam và Mỹ.

Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hướng tới nền kinh tế thị trường chất lượng cao thúc đẩy bởi KH,CN và đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần tăng cường thực thi quyền SHTT và Hoa Kỳ sẵn sàng phối hợp cùng Việt Nam trong vấn đề này.
 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng trong lĩnh vực KH&CN và SHTT

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, các hoạt động kinh doanh trực tuyến đang bùng nổ mạnh mẽ trên đa dạng nền tảng kinh doanh, hình thức giao dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn về giá trị kinh tế, mô hình kinh doanh này vẫn còn tồn tại nhiều thách thức đối với cá nhân và tổ chức kinh doanh, đặc biệt là các yếu tố liên quan tới vấn đề thực thi quyền SHTT khi các hoạt động giao dịch thương mại vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng chỉ ra, sự bùng nổ của KH&CN cũng khiến cho việc phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý trở nên khó khăn hơn, gây tác động tiêu cực đến xã hội. các hành vi xâm phạm SHTT được thực hiện bằng nhiều hình thức, thủ đoạn mới như sử dụng công nghệ cao làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... không có giới hạn địa lý, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

Dẫn chứng về việc Công ty FPT từng phải sang Mỹ đàm phán mua lại tên miền của chính mình để có thể được hoạt động tại Mỹ, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là những bài học đắt giá của doanh nghiệp trong việc đăng ký bản quyền, quyền SHTT đối với sản phẩm của mình.

Để khắc phục những hiện tượng nêu trên, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng trong lĩnh vực KH&CN và SHTT cụ thể là: Chiến lược SHTT đến năm 2030; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030… trong đó đặt ra các chỉ số cụ thể cho lĩnh vực SHTT; Gần đây nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua với số phiếu nhất trí rất cao.

Cùng với đó, nhận thức được tầm quan trọng của thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN và các bộ ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như xâm phạm quyền SHTT trong môi trường, việc tăng cường hợp tác về xây dựng thể chế và thực thi pháp luật về SHTT của 09 bộ ngành thành viên Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT (Chương trình 168 giai đoạn III) và sự vào cuộc của hệ thống các cơ quan trung ương và địa phương.
 

Ông Nguyễn Quang Dũng: Với tư cách là cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp về hình sự, Viện Kiểm sát Nhân nhân tối cao Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong xử lý các hành vi xâm phạm SHTT.

Đồng quan điểm trên, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng cho rằng: Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong thực thi pháp luật và bảo vệ quyền SHTT, chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về SHTT vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Các hành vi xâm phạm SHTT được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như sử dụng công nghệ cao làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử thông qua trang bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo…

“Việt Nam luôn bảo vệ quyền SHTT đối với không chỉ hàng hóa trong nước mà cả đối với sản phẩm, hàng hóa của nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, để chống lại các hành vi xâm phạm SHTT trên bình diện quốc tế, thì cần thiết phải có sự hợp tác giữa các nước. Với tư cách là cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND tối cao sẵn sàng hợp tác với các nước trong xử lý các hành vi xâm phạm SHTT”, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết thêm.
 

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL: Để có thể thực thi bảo hộ có hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng cần có sự chung tay hợp tác của các chủ thể quyền.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt: về cơ bản, Việt Nam đã có được hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được, hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác vẫn gặp rất nhiều khó khăn; tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau, đặc biệt là trên môi trường mạng.

“Để có thể thực thi bảo hộ có hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng cần có sự chung tay hợp tác của các chủ thể quyền, các cơ quan ban ngành và đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế trong phát hiện và xử lý vi phạm và thúc đẩy khai thác hợp pháp”.
 

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Trưởng Ban Thường trực Chương trình 168 cho biết thêm: Để thực thi quyền SHTT trong không gian mạng hiệu quả hơn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương, địa phương, các hiệp hội và các chủ thể quyền/doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Trưởng Ban Thường trực Chương trình 168 cho biết thêm: Vi phạm SHTT trong thương mại điện tử tồn tại dưới 2 dạng: tên miền có thành phần chính trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đã được bảo hộ; quảng cáo, mua bán hàng hoá xâm phạm quyền SHTT trong thương mại điện tử. Những vi phạm này ngày càng tinh vi, phức tạp hơn trong khi biện pháp hành chính mặc dù hiệu quả nhưng cũng có những hạn chế nhất định so với biện pháp tư pháp. Để thực thi quyền SHTT trong không gian mạng hiệu quả hơn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương, địa phương, các hiệp hội và các chủ thể quyền/doanh nghiệp.
 


 

Tại chuỗi sự kiện, các đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận, khẳng định việc cần nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT trên không gian mạng.
 

Các đại biểu và diễn giả tại Hội nghị.

Tại chuỗi sự kiện, các đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận, khẳng định tầm quan trọng của thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, chia sẻ liên quan đến vấn đề nhận diện, đánh giá thương hiệu; Các bài học thực tiễn về thu giữ hàng hóa nghi giả mạo và triển khai hệ thống giám sát… Qua đó đề xuất, để nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trên không gian mạng nói riêng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia hàng đầu về thực thi quyền SHTT như: Mỹ, Anh… Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội và người tiêu dùng. Nâng cao trình độ cho các cán bộ thực thi quyền SHTT.
 


 

Hội thảo được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 28-29/9/2022.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Thanh tra Bộ KH&CN

Lượt xem: 9040

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)