Thứ năm, 13/10/2022 20:10 GMT+7

Vì sao cần ban hành Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường?

Sáng ngày 29/9/2022, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức Hội thảo góp ý “Dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường”.

Một số quy định còn thiếu tính khả thi

Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, bà Cao Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội liên quan cùng lãnh đạo doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh, để thực hiện các yêu cầu thực tiễn cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, thống nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường... việc ban hành Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường là phù hợp và rất cần thiết.
 

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Ảnh: Ngọc Xen.

Phân tích cụ thể, bà Cao Thị Thu Hà cho hay, thời gian qua, thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (Thông tư số 26) và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28/9/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN (Thông tư số 12), góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý chất lượng hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh tự do hóa thương mại và hội nhập.

Thông tư số 12 đã sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số tồn tại trong quy định về nội dung, trình tự thủ tục kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tại Thông tư số 26 và áp dụng chung cho cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa thuộc các bộ, ngành, địa phương khi kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, Thông tư 26 ban hành đã được gần 10 năm, Thông tư 12 ban hành được gần 05 năm, các văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ pháp lý trực tiếp để quy định nội dung các Thông tư này đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như: Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa (thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa); Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ;...

Hơn nữa, trong thực tiễn thi hành Thông tư số 26 và Thông tư số 12 đã bộc lộ một số nội dung quy định còn thiếu tính khả thi hoặc chưa được quy định; một số vấn đề chưa được rõ ràng, có những điểm còn thiếu tính thống nhất gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của cơ quan quản lý cũng như chưa đảm bảo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh...

Đáng chú ý, vấn đề nổi cộm nhất trong tình hình dịch bệnh vừa qua đó là xu thế áp dụng công nghệ 4.0 trong kinh doanh cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việc kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong kinh doanh, buôn bán hàng hóa nói chung.

Hơn nữa, việc bán hàng qua mạng lại không cần có kho chứa/lưu hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng. Vì vậy, việc kiểm tra chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa được kinh doanh, bán hàng theo hình thức thương mại điện tử như trên cũng cần được xem xét, nghiên cứu, bổ sung quy định, chế tài để triển khai...

Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung

Theo đó, bố cục của dự thảo Thông tư được chia thành 05 Chương, 15 Điều, cụ thể: Chương 1: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương 2: Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra (từ Điều 6 đến Điều 8); Chương 3: Xử lý vi phạm (từ Điều 9 đến Điều 10); Chương 4: Tổ chức thực hiện (từ Điều 11 đến Điều 13); Chương 5: Điều khoản thi hành (từ Điều 14 đến Điều 15); Phụ lục: Gồm 14 mẫu biểu.
 

 Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo. 

So với Thông tư số 26 và Thông tư số 12, dự thảo Thông tư đã điều chỉnh và bổ sung một số nội dung sau:

Tại khoản 1 Điều 3 dự thảo thông tư quy định về hàng hóa lưu thông, bổ sung: hàng hóa lưu thông “bao gồm cả hàng hoá trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử”.

Tại khoản 1 Điều 3 dự thảo thông tư, bổ sung nội dung kiểm tra đối với hàng hoá kinh doanh trên các trang thương mại điện tử: “Đối với hàng hoá kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, ngoài kiểm tra theo quy định tại khoản 1, 2 Điều này, người có thẩm quyền kiểm tra tiến hành kiểm tra so sánh tính thống nhất của thông tin trên các trang mạng bán hàng với thực tế của hàng hoá được kiểm tra”.

Tại khoản 1 Điều 8 dự thảo thông tư quy định về lấy mẫu hàng hóa để kiểm tra, bổ sung nội dung: “Đối với hàng hóa có kích thước lớn, hàng hóa có giá trị lớn..., Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thống nhất bằng văn bản với Bộ khoa học và Công nghệ ban hành quy định về lấy mẫu để kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường”.

Bổ sung khoản 4 Điều 8: Thanh lý mẫu: “Hết thời hạn lưu mẫu, mẫu được đưa ra khu bảo quản. Định kỳ 6 tháng hoặc hàng năm cơ quan kiểm tra tiến hành thanh lý mẫu lưu theo quy định (bán thanh lý); đối với các mẫu vi phạm về chất lượng thì cơ quan kiểm tra tiêu hủy theo quy định của pháp luật”.

Sửa đổi, bổ sung Điều 9. Xử lý vi phạm: Luật xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực từ 01/01/2022 trong đó có quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục QLCL, Chi cục trưởng Chi cục QLCL miền Trung, Chi cục trưởng Chi cục QLCL miền Nam; bên cạnh đó, tại Thông tư số 26 và Thông tư số 12 chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện hành động tái chế hàng hóa vi phạm... do đó, tại Điều 9 dự thảo thông tư đã được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Xử lý vi phạm

1. Đối với các vi phạm chưa có quy định về việc xử lý vi phạm hành chính, đoàn kiểm tra ghi rõ trong biên bản kiểm tra và yêu cầu chủ sở hữu hàng hóa thực hiện hành động khắc phục trước khi tiếp tục lưu thông hàng hóa. Khi khắc phục xong chủ sở hữu hàng hóa báo cáo bằng văn bản kèm theo bằng chứng khắc phục về cơ quan kiểm tra.

Hết thời hạn báo cáo quy định tại Biên bản kiểm tra, nếu chủ sở hữu hàng hóa không thực hiện hành động khắc phục và gửi báo cáo theo yêu cầu của đoàn kiểm tra thì cơ quan kiểm tra xem xét việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về tên, địa chỉ nơi bán hàng, tên hàng hóa và hành vi vi phạm.

2. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm hành chính, cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng xử lý như sau:

a) Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng lập Biên bản Vi phạm hành chính theo Mẫu biên bản số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; tiến hành niêm phong hàng hóa và lập Biên bản niêm phong hàng hóa (đối với Đoàn kiểm tra theo Mẫu 8a. BBNP-ĐKT Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, đối với Kiểm soát viên chất lượng theo Mẫu 8b. BBNP-KSVCL Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) đối với các vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông; yêu cầu chủ sở hữu hàng hóa tạm dừng việc bán hàng hóa vi phạm.

Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng báo cáo cơ quan kiểm tra, cơ quan kiểm tra trong vòng 24 giờ ra Thông báo tạm dừng lưu thông đối với hàng hóa vi phạm theo Mẫu 6. TBTDLT - Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng lập hồ sơ để người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Mẫu quyết định số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền của cơ quan kiểm tra thì cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ, kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, chủ sở hữu hàng hóa có thể đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả đối với hàng hóa vi phạm bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc xem xét, quyết định biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu hàng hóa phải thực hiện đầy đủ các nội dung trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính và gửi bằng chứng việc thực hiện về cơ quan kiểm tra.

Đối với hàng hóa niêm phong, sau khi nhận được bằng chứng khắc phục hàng hóa vi phạm, cơ quan kiểm tra xem xét mở niêm phong (theo Mẫu 10a. BBMNP-ĐKT với Đoàn kiểm tra và Mẫu 10b. BBMNP-KSVCL Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này với Kiểm soát viên chất lượng) để chủ sở hữu hàng hóa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Khi khắc phục xong, chủ sở hữu hàng hóa hoặc đại diện chủ sở hữu hàng hóa báo cáo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra kèm theo bằng chứng khắc phục. Căn cứ báo cáo của chủ sở hữu hàng hóa hoặc đại diện chủ sở hữu hàng hóa, cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường theo Mẫu 11. TBTTLT Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này khi hàng hóa đó đã được khắc phục đạt yêu cầu.

Trường hợp thực hiện tái chế về chất lượng theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì khi tái chế xong chủ sở hữu hàng hóa hoặc đại diện chủ sở hữu hàng hóa báo cáo bằng văn bản để cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thử nghiệm lại các chỉ tiêu không đạt.

Trường hợp tái chế không đạt, chủ sở hữu hàng hóa hoặc đại diện chủ sở hữu hàng hóa có văn bản đề xuất biện pháp khắc phục tiếp theo đối với hàng hóa vi phạm và phải được sự chấp thuận của cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường theo quy định tại Mẫu 11. TBTTLT Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này khi kết quả kiểm tra, thử nghiệm lại phù hợp quy định của pháp luật.

Trường hợp chủ sở hữu hàng hóa hoặc đại diện chủ sở hữu hàng hóa thực hiện việc tiêu huỷ hàng hóa vi phạm theo quyết định của cơ quan kiểm tra, chủ sở hữu hàng hóa hoặc đại diện chủ sở hữu hàng hóa phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan về việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Trường hợp đoàn kiểm tra do cơ quan kiểm tra ở Trung ương chủ trì hoặc kiểm soát viên chất lượng thực hiện kiểm tra tại địa phương, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính thì đoàn kiểm tra/kiểm soát viên chất lượng lập hồ sơ để cơ quan kiểm tra xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hoặc xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan phối hợp để tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Tùy thuộc vào mức độ, phạm vi ảnh hưởng, hậu quả của lô hàng không phù hợp về chất lượng, Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ nơi bán hàng, tên trang thương mại điện tử đăng ký bán hàng, tên hàng hóa và sự không phù hợp của hàng hóa theo Mẫu 12. TBKĐCL Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Sau khi phát hiện và xử lý hàng hóa lưu thông trên thị trường vi phạm hành chính, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm tiến hành kiểm tra hoặc thông báo cho cơ quan kiểm tra tương ứng nơi có cơ sở cung cấp hàng hóa đó kiểm tra theo quy định pháp luật.

5. Hồ sơ xử lý vi phạm hành chính chuyển người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: Quyết định kiểm tra, Biên bản kiểm tra, Thông báo kết quả thử nghiệm mẫu hoặc bằng chứng khẳng định chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp, Biên bản vi phạm hành chính, Biên bản niêm phong, Thông báo tạm dừng lưu thông, Công văn của cơ quan kiểm tra đề nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật hoặc biên bản giao nhận hồ sơ.

Người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định pháp luật và thông báo cho cơ quan kiểm tra biết kết quả xử lý để theo dõi, tổng hợp.

6. Trong quá trình kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử lý vi phạm xem xét, quyết định”.

Bổ sung Điều 10 quy định về việc thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra: tại Thông tư số 26 đã có hướng dẫn về việc thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra nhưng chưa chặt chẽ (Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng.

Chi phí thử nghiệm mẫu này do người bán hàng chi trả) dẫn đến kết quả thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra đa phần đều đạt. Do đó, tại Thông tư số 12 đã bãi bỏ quy định này. Việc bãi bỏ quy định này làm các cơ quan kiểm tra lúng túng trong việc khi nào thì cho thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra.

“Điều 10. Thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra

Trong quá trình kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính, trường hợp chủ sở hữu hàng hóa hoặc đại diện chủ sở hữu hàng hóa có khiếu nại liên quan đến kết quả thử nghiệm mẫu, trong quá trình xem xét giải quyết khiếu nại của chủ sở hữu hàng hóa hoặc đại diện chủ sở hữu hàng hóa, cơ quan kiểm tra/người giải quyết khiếu nại nếu thấy có căn cứ cho rằng việc vận chuyển, giao nhận mẫu, quá trình thử nghiệm mẫu... không đáp ứng quy định, ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm không chính xác thì cơ quan kiểm tra/người giải quyết khiếu nại có thể cho thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra ở một tổ chức thử nghiệm đã đăng ký hoặc được chỉ định khác theo quy định.

Kết quả thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra là căn cứ để cơ quan kiểm tra/người giải quyết khiếu nại xử lý, kết luận cuối cùng về sự phù hợp/không phù hợp của hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trường hợp không có căn cứ để khẳng định việc vận chuyển, giao nhận mẫu, quá trình thử nghiệm mẫu... không đáp ứng quy định thì cơ quan kiểm tra/người giải quyết khiếu nại không cho thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra”.

Ngoài ra, tại dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác như: quy định về Chủ sở hữu hàng hoá; Kiểm soát viên chất lượng chỉ được tiến hành kiểm tra độc lập theo quyết định phân công của cơ quan kiểm tra; sửa đổi, bổ sung một số biểu mẫu cho phù hợp với thực tế và các quy định khác của pháp luật...

Cũng tại Chương trình, đại diện các ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến đóng góp sôi nổi, xác đáng. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh, các ý kiến sẽ được tập hợp, trở thành tư liệu quan trọng giúp ban soạn thảo hoàn thiện Thông tư sao cho kịp thời, chính xác và phù hợp nhất.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1879

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)