Thứ ba, 29/11/2022 08:53 GMT+7

Tổng kết hoạt động năm 2022, kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2023 tại các Công viên Địa chất toàn cầu của Việt Nam

Ngày 22/11/2022 tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, Tiểu Ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Chương trình Công viên Địa chất toàn cầu của Việt Nam (Geopark Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2023 tại mạng lưới các Geopark Việt Nam.


Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Tham dự Hội nghị có Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh- Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông- Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Đắk Nông; Đại diện Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bà Phạm Thị Thanh Bình- Phó Tổng thư ký UBQG UNESCO của Việt Nam; TS. Trịnh Hải Sơn- Chủ tịch Chương trình Geopark Việt Nam; Ông Trương Quang Quý- Giám đốc Bảo tàng Địa chất - Cục Địa chất Việt Nam; Lãnh đạo các sở ban ngành địa phương, đại diện 02 Ban quản lý Geopark Việt Nam (Non Nước - Cao Bằng và Hà Giang) và các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực công viên địa chất cùng đông đảo các nhà khoa học.

Năm 2022 là giai đoạn khó khăn sau đại dịch Covid19, tuy nhiên Tiểu ban Chuyên môn CVĐC toàn cầu của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận khi phối hợp, hỗ trợ với các địa phương trong công tác chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận di sản địa chất, bảo tồn và quản lý di sản địa chất; xây dựng báo cáo định kỳ, báo cáo tái thẩm định khu di sản địa chất theo quy định UNESCO; hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các chương trình, hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO và mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương; xây dựng các mô hình sinh kế bền vững; lan toả sự tham gia của cộng đồng, thanh thiếu niên và các nhà khoa học trong hoạt động của mạng lưới CVĐC; hỗ trợ và phối hợp thực hiện các dự án trong và ngoài nước, thực hiện các hoạt động giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức và tham gia các diễn đàn và sự kiện quốc tế. Việt Nam đã được công nhận 03 CVĐC có những đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển bền vững của địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã có cơ hội nhận thức rõ hơn về các giá trị di sản địa chất gắn với tri thức địa phương; chia sẻ sự phong phú của giá trị di sản địa chất gắn với môi trường sống không chỉ ở môi trường tự nhiên nguyên sơ mà còn về văn hóa, lịch sử, tri thức địa phương và truyền thống; kết nối với mạng lưới các CVĐC của Việt Nam và khu vực.

Đánh giá hoạt động năm 2022

- Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO và Geopark Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho các CVĐC của Việt Nam. Đến nay, các CVĐC của Việt Nam đã triển khai các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến giá trị di sản địa chất gắn với tri thức địa phương, bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển kinh tế xã hội như mô hình sinh kế bền vững dựa vào các di sản địa chất, du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa, xây dựng nhãn sinh thái, mô hình sinh kế bền vững cho người dân,... góp phần vào phát triển bền vững cho địa phương. Các nhà khoa học trong lĩnh vực tự nhiên đã phối hợp liên ngành với các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, dân tộc, du lịch,... để tìm ra những mô hình phát triển bền vững.

- Nghiên cứu khoa học được triển khai mạnh tại mạng lưới CVĐC của Việt Nam. Nội dung nghiên cứu đa dạng như nghiên cứu các giá trị địa chất, kiến thức địa phương, loài sinh vật, đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa - lịch sử, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sinh kế, nghiên cứu phát triển du lịch,...

- Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất cho tất cả các CVĐC là sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ từ các UBND tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, đây là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất đảm bảo cho sự thành công của mạng lưới CVĐC của Việt Nam.

Phương hướng hoạt động năm 2023 và những năm tiếp theo

- Đẩy mạnh hoạt động cùng chuyên gia tư vấn quốc tế, các cơ quan nghiên cứu trong nước hỗ trợ CVĐC toàn cầu Đắk Nông nghiên cứu xác định thêm các giá trị địa chất mang tầm quốc tế, quốc gia bổ sung hồ sơ phục vụ tái thẩm định lần thứ nhất vào năm 2024.

- Phối hợp tư vấn xây dựng, đánh giá, hoàn chỉnh Hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu Lạng Sơn và triển khai công tác chuẩn bị đón đoàn thẩm định của UNESCO.

- Tiếp tục quan tâm hướng dẫn địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn các điểm di sản địa chất trong vùng CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO.

- Triển khai việc thực hiện Kế hoạch hành động quảng bá những bài học thành công mạng lưới CVĐC của Việt Nam. Các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai theo các chủ đề về di sản và hệ thống di sản địa chất, sức khỏe hệ sinh thái, quản trị (Governance), giáo dục vì phát triển bền vững. Các đề tài nghiên cứu sẽ là chìa khóa cho hoạt động của mạng lưới CVĐC trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững của đất nước.



Các đại biểu tham gia hội nghị

 

Bộ KH&CN với vai trò là Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Geopark Việt Nam cũng như mạng lưới CVĐC của Việt Nam thực hiện các chiến lược và chương trình hành động của UNESCO, hướng tới thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 1417

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)