Thứ tư, 07/12/2022 00:56 GMT+7

Cuộc họp thường niên lần thứ 13 của Mạng lưới APSN

Từ ngày 01-02/12/2022, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác Mạng lưới Thanh sát hạt nhân Châu Á – Thái Bình Dương (APSN), Cục ATBXHN chủ trì Cuộc họp thường niên lần thứ 13 Mạng lưới APSN.

Tham dự cuộc họp có ông Mohammed Lamari, Trưởng ban Thanh sát A/IAEA, ông Geoffrey Shaw, Tổng Giám đốc Cơ quan thanh sát và không phổ biến Úc (ASNO) đồng thời là Chủ tịch Ủy ban điều phối APSN, các chuyên gia IAEA và các đại biểu đến từ các quốc gia thành viên của Mạng lưới APSN và quan sát viên.
 

Mạng lưới thanh sát hạt nhân Châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Safeguards Network - APSN) là mạng lưới của các tổ chức thực hiện thanh sát hạt nhân của các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mục đích của Mạng lưới này nhằm tăng cường trao đổi thông tin, kiến ​​thức và kinh nghiệm thực tế về thực hiện thanh sát hạt nhân giữa các thành viên, từ đó giúp nâng cao năng lực về thực hiện thanh sát của khu vực theo quy định của IAEA. Trong khuôn khổ Mạng lưới APSN,  trong năm 2021-2022, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Mạng lưới và Cục ATBXHN là Cơ quan đại diện đầu mối của Việt Nam.

Đầu năm 2022, Cục ATBXHN đã chủ trì tổ chức thành công Cuộc họp thường niên lần thứ 12 của Mạng lưới (bằng hình thức trực tuyến từ ngày 24-25/02/2022). Tiếp theo thành công của Cuộc họp này, được sự đồng thuận của Ủy ban điều phối APSN, Cục ATBXHN phối hợp với IAEA và các đối tác quốc tế tổ chức Cuộc họp thường niên lần thứ 13.

Mục đích của Cuộc họp thường niên lần thứ 13 nhằm rà soát việc triển khai các mục tiêu đã đặt ra sau Cuộc họp thường niên lần thứ 12, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thanh sát hạt nhân tại các quốc gia theo các phương pháp tiếp cận của IAEA.
 

Phát biểu khai mạc Cuộc họp thường niên, bà Bùi Thị Thùy Anh, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục ATBXHN nhận định, kể từ khi được thành lập vào năm 2009, Mạng lưới APSN đã phát triển thành một tổ chức chuyên nghiệp được công nhận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 16 quốc gia thành viên và quan sát viên. Các thành viên mạng lưới đã tích cực cùng nhau thúc đẩy các hoạt động thanh sát ở khu vực được thực hiện theo tiêu chuẩn của IAEA.

Nhắc lại Cuộc họp thường niên lần thứ 12, Cuộc họp đã đạt được những kết quả tích cực trong việc chia sẻ thông tin cho các quốc gia thành viên, góp phần tăng cường thực hiện cam kết quốc tế về không phổ biến hạt nhân và thực hiện thanh sát hạt nhân của IAEA. Cuộc họp thường niên lần thứ 13 này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra một diễn đàn để tất cả các đại biểu thảo luận về các chủ đề sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên APSN: triển khai cơ sở hạ tầng thanh sát, thanh sát nhà máy điện hạt nhân trong quá trình vận hành và ngừng hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng năng lực từ góc độ quốc gia, v.v..

Nhân dịp này, bà Bùi Thị Thùy Anh cũng bày tỏ lời cám ơn chân thành đến IAEA, Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA)/Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, ASNO/Úc và BAPETEN/Indonesia đã hỗ trợ Cục ATBXHN/Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Mạng lưới APSN trong năm 2021-2022.
 

Tại cuộc họp, 5 Nhóm công tác đã có các bài trình bày, chia sẻ thông tin và thảo luận về một số chủ đề như:  giới thiệu về COMPASS (cập nhật), 25 năm triển khai Nghị định thư bổ sung (AP) của Úc, chương trình xây dựng năng lực và các phát triển hậu Covid-19, duy trì thực hiện thanh sát và vai trò của APSN, thanh sát nhà máy điện hạt nhân trong quá trình vận hành và ngừng hoạt động, hệ thống pháp quy về bảo vệ thực thể các cơ sở hạt nhân tại Malaysia, những kinh nghiệm chia sẻ tại Hội nghị quốc tế của IAEA 2022 về thanh sát hạt nhân,... Các nước thành viên APSN cũng chia sẻ các thông tin cập nhật về các hoạt động thanh sát và hạt nhân gần đây, các tiến triển cũng như các thách thức gặp phải. Cuộc họp cũng thảo luận về các hoạt động và kế hoạch trong thời gian tới trong khuôn khổ Mạng lưới.

Kết thúc cuộc họp, đã diễn ra lễ bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban điều phối APSN từ Úc cho Nhật Bản và Chủ tịch Mạng lưới APSN từ Việt Nam cho Thái Lan trong năm 2023-2024.

 

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 1349

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)