Thứ hai, 12/12/2022 10:50 GMT+7

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Nhằm nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thu hút nguồn lực cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, chiều 07/12/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chính Minh phối hợp tổ chức diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 (Techconnect and Innovation Vietnam 2022).


Toàn cảnh diễn đàn

Tham dự diễn đàn có ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng  Thường trực Bộ KH&CN, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế Biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT; Đại diện các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT; Đại diện các Đại sứ quán Đan Mạch, Singapore, Hoa Kỳ, Canada, Italy, Thái Lan, Lào, Úc; Lãnh đạo một số các Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, Ban, ngành, Viện, Trường, hiệp hội, hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; đại diện mạng lưới chuyên gia, nhà nghiên cứu, mạng lưới đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam tại các nước, đại diện hội chuyên gia tri thức người Việt ở nước ngoài và các vị diễn giả trong nước và quốc tế.
 

Thứ trưởng Thường trực  Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng  Thường trực Bộ KH&CN cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định KH&CN nói chung và đổi mới sáng tạo nói riêng là động lực quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng. Nội dung đổi mới sáng tạo đã được Chính phủ lồng ghép vào công tác điều hành quản lý nhà nước.

Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phong trào đổi mới sáng tạo đã được lan tỏa trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp; tiềm lực KH&CN quốc gia được củng cố; thị trường KH&CN bước đầu gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục hoàn thiện dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Những thành tựu thành công bước đầu đã được ghi nhận. Theo công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thé giới (WIPO), Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia. Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, sự cải thiện cũng thấy rất rõ ở những chỉ số liên quan mật thiết nhất với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, như tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển, số lượng nhà nghiên cứu trong doanh nghiệp đều tăng đáng kể. Khu vực doanh nghiệp đang hướng tới trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo với sự vào cuộc của một số tập đoàn kinh tế lớn.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, so với tiềm năng phát triển của Việt Nam những kết quả trên là chưa đủ. Còn nhiều dư địa chính sách cần cải thiện, một số hạn chế như hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nước ta còn tồn tại nhiều rào cản, chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới; nhân lực công nghệ bị thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng; việc ứng dụng, phát triển, đổi mới công nghệ và thương mại hoá các sản phẩm KH&CN còn khá chậm; việc liên kết giữa các chủ thể tham gia vào đổi mới sáng tạo còn chưa chặt chẽ.

Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham gia trao đổi, thảo luận về chính sách, khả năng nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận công nghệ mới, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, chia sẻ ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, các đơn vị cần nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Chính phủ đưa ra tại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 như: tăng cường học hỏi, chuyển giao các mô hình quản lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến phục vụ nâng cao năng lực của bộ máy quản lý các cấp; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới; phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành; triển khai mạnh mẽ các nền tảng, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước.
 

Diễn giả chia sẻ về chính sách và giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các báo cáo và tham luận tại Phiên 1 về chính sách và giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phiên họp này đã giúp các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược, và cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài nước cùng phân tích, chia sẻ và thảo luận thực trạng, xu hướng, mô hình, giải pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, với sự tham gia của các cơ quan và tổ chức quốc tế như: Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)…
 

Phiên thảo luận mở “Công nghệ xanh, nông nghiệp sạch”

Phiên họp tiếp theo là chương trình thảo luận mở có nội dung “Công nghệ xanh, nông nghiệp sạch” với sự tham gia của các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia về đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ nội hàm, sự khác biệt về đổi mới sáng tạo của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới; thực trạng đổi mới sáng tạo phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản tại Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về các khuyến nghị về chính sách và giải pháp về đổi mới sáng tạo trong phát triển và làm chủ công nghệ tại viện, trường và doanh nghiệp; các giải pháp của Chính phủ, Bộ KH&CN để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ.

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy nghiên cứu KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác sáng chế giữa Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau và Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ và Sở hữu Trí tuệ IP Group.
 

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy nghiên cứu KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác sáng chế giữa Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau và Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ và Sở hữu Trí tuệ IP Group.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 1441

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)