Thứ ba, 13/12/2022 17:08 GMT+7

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì các mục tiêu phát triển bền vững

Ngày 08/12/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Cơ hội và thách thức trong hoàn thiện cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới”.

Tham dự hội thảo có ông Bùi Thế Duy - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Chủ tịch Uỷ ban về KH&CN; ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh; thành viên Uỷ ban về KH&CN; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN và một số bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia; đại diện một số tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Việt Nam, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Ôxtrâylia (CSIRO), Mạng lưới Hội thảo khoa học về Chính sách và quản lý KH,CN&ĐMST khu vực Đông Nam Á (SEAC-STPIM), Viện GRIPS Nhật Bản, Đại học RMIT và một số tổ chức quốc tế khác.

 Phát triển bền vững là xu thế toàn cầu

Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban về KH&CN (Ủy ban) thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức xã hội... gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những cơ hội, thách thức trong hoạch định chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); một số kinh nghiệm điển hình của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan khác trong xây dựng và thực thi chính sách KH,CN&ĐMST thích ứng với bối cảnh mới hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV).

Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu của toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2015, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được các nước thành viên Liên hợp quốc đồng thuận thông qua. Chương trình có độ bao phủ chính sách rộng lớn, vì lợi ích của mọi người dân trên thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình này đã đưa tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 15 năm (2016-2030) trên phạm vi toàn cầu với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động triển khai thực hiện.

Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017), trong đó xác định 17 mục tiêu PTBV đến năm 2030 với 115 mục tiêu cụ thể và phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch hành động.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, Việt Nam đã hoàn thành nhiều cơ chế, chính sách KH,CN&ĐMST và có những hành động rất quyết liệt hướng đến các mục tiêu PTBV đến năm 2030. Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới. KH,CN&ĐMST đang thực hiện những nhiệm vụ hướng đến đương đầu với các thách thức đó. Thứ trưởng dẫn chứng, trong đại dịch COVID, các cơ chế về KH,CN&ĐMST đã thay đổi rất nhiều, trong đó hướng đến cơ chế hợp tác cởi mở hơn, cùng nhau chia sẻ dữ liệu và các kết quả nghiên cứu, để nhanh chóng tìm ra các phương thức ứng phó với dịch COVID-19. Từ những phương thức hợp tác, chính sách mới đó chúng ta đã đạt được những kết quả tiến bộ về đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Theo Thứ trưởng, tại Hội nghị COP26, chúng ta hướng đến mục tiêu giảm phát thải bằng không. Với định hướng đó, nhiều mô hình sáng tạo trong đó có mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn đang là vấn đề đặt ra với tất cả quốc gia và KH,CN&ĐMST có vai trò quan trọng trong mô hình phát triển đó. Các thiết chế chính sách cũng phải được thay đổi để thích ứng, tạo điều kiện hỗ trợ cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Tại hội thảo này, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp, từ đó Uỷ ban sẽ tổng hợp, kiến nghị với Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể chỉnh sửa, cập nhật cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST trong thời gian tới, hướng đến một xã hội PTBV, Thứ trưởng cho biết.
 

Ông Nguyễn Việt Hùng - Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Hùng - Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết, kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV trên thế giới và Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Theo Báo cáo quốc gia năm 2020 tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu PTBV, một số mục tiêu PTBV rất khó đạt được vào năm 2030, trong đó có Mục tiêu số 9 về xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hoá bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới. Báo cáo cũng chỉ rõ, hệ thống chính sách còn tồn tại một số bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện, hiệu lực thực thi của chính sách chưa cao, đặc biệt trong điều kiện bối cảnh thế giới và trong nước đang diễn ra những biến động về chính trị, kinh tế, công nghệ, toàn cầu hoá,…

Bàn giải pháp để thích ứng với bối cảnh mới

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận và bàn về các chủ đề như: Tình hình thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam sau 5 năm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV; Chuyển hướng đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu PTBV; Cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam; Ứng dụng KH,CN&ĐMST trong chiến lược PTBV của doanh nghiệp; Cơ hội và thách thức trong hoạt động KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu PTBV trong bối cảnh mới của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Cơ hội và thách thức trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu PTBV nhằm thích ứng với bối cảnh mới; Ngành công nghiệp xe điện ở Thái Lan và gợi  ý chính sách đối với Việt Nam;…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sau 5 năm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV, Việt Nam đã có nhiều thay đổi: Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh (năm 2016 là 9,2%, 2021 là 4,36%); tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh (năm 2016 là 93%, 2021 là 98,1%); tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam tiếp cận điện lưới quốc gia (99,5%); tỷ lệ dân số bao phủ bởi sóng di động năm 2021 (99,8%); tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (68,2%); Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác quan trọng với 30 đối tác quốc tế,…

Tuy nhiên, hiện cũng còn nhiều thách thức đòi hỏi phải có vai trò của KH,CN&ĐMST như sức ép lớn về hạ tầng và môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chênh lệch trình độ phát triển, chính sách chưa đồng bộ, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động,…. Bộ KH&ĐT đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có giải pháp về KH,CN&ĐMST.

Trong bài trình bày về Chuyển hướng đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu PTBV, ông Andy Hall- CSIRO, Ôxtrâylia nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu PTBV, chính sách KH,CN&ĐMST cần phải hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo, cũng như định hướng quỹ đạo phát triển và kết quả của đổi mới sáng tạo. Bà Nguyễn Phương Chi - Học viện Phụ nữ Việt Nam trong bài trình bày về Cơ hội và thách thức trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu PTBV nhằm thích ứng với bối cảnh mới cho rằng cần tăng cường tài trợ cho KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu PTBV, thu hút các bên liên quan trong việc ra quyết định tài trợ nghiên cứu, đảm bảo tiếng nói của các bên liên quan, cái nhìn đa dạng hơn trong các quyết định tài trợ nghiên cứu, áp dụng một cách tiếp cận toàn diện hơn để thiết kế và đánh giá nguồn lực PTBV,…

Trình bày về Cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam, ông Hồ Công Hoà - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế, trong đó có hạ tầng năng lượng và dịch vụ môi trường, KH&CN hướng tới tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập, triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, thiếu các văn bản hướng dẫn, cơ chế xác định dự án, doanh nghiệp xanh,… Ông Phan Tiến Dũng- Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất tăng cường đầu tư Nhà nước vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá; thúc đẩy hợp tác quốc tế nắm bắt công nghệ lõi, phát triển công nghệ mới; xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

Đại diện cho khu vực doanh nghiệp, bà Lâm Thị Bích Hồng – Công ty CP Traphaco cho rằng, doanh nghiệp cần luôn chủ động đặt trọng tâm đổi mới sáng tạo gắn liền với PTBV; chủ động tạo liên kết chặt chẽ với nhà khoa học trong giải quyết các vấn đề kĩ thuật thực tế trong doanh nghiệp; doanh nghiệp phải là chủ thể xây dựng chuỗi cung ứng xanh để góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội; kiến nghị với nhà nước tổ chức quy hoạch chi tiết các khu vực sản xuất, nuôi trồng, thương mại, du lịch,…; xây dựng cơ chế để các kết quả nghiên cứu được định giá, trở thành một loại tài sản có thể góp vốn cổ phần trong doanh nghiệp; Nhà nước cần đầu tư hạ tầng, đặc biệt ở vùng miền núi cho các vùng phát triển nguyên liệu, chế biến; nhà khoa học phải chủ động, đi đầu trong nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, sản xuất liên tục,… Bà Nguyễn Thị Hồng Vân- Công ty CP Sao Thái Dương nêu một số đề xuất trong đó có việc xây dựng quy định đặc thù trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh để đáp ứng kịp thời các nhu cầu đặc biệt của xã hội, đẩy nhanh thương mại hoá sản phẩm phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan cũng cùng thảo luận xoay quanh vấn đề những cơ hội và thách thức mà các mục tiêu PTBV đặt ra đối với chính sách KH,CN&ĐMST, đề xuất về những ưu tiên trong chính sách KH,CN&ĐMST trong bối cảnh mới.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Lượt xem: 3296

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)