Thứ hai, 26/12/2022 21:25 GMT+7

Tổng kết Chương trình so sánh liên phòng hiệu chuẩn chuẩn đo lường năm 2022

Trong khuôn khổ triển khai Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 09/12/2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã tổ chức cuộc họp tổng kết Chương trình so sánh liên phòng hiệu chuẩn chuẩn đo lường năm 2022.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) chủ trì cuộc họp tổng kết với sự tham gia của lãnh đạo Vụ Đo lường, Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1, 2, 3, lãnh đạo các phòng hiệu chuẩn chuẩn đo lường, chuyên gia đo lường của các đơn vị trực tiếp tham gia Chương trình so sánh liên phòng hiệu chuẩn chuẩn đo lường năm 2022.
 

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) chủ trì cuộc họp trực tuyến (toàn cảnh).

Ông Trần Quý Giầu - Vụ trưởng Vụ Đo lường đã báo cáo tóm tắt tổng quan, mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình so sánh liên phòng hiệu chuẩn chuẩn đo lường cho ba lĩnh vực đo với mã số tương ứng như sau: TDC-Đ.SS1: Lĩnh vực năng lượng điện – công tơ chuẩn; TDC-AS.SS1: Lĩnh vực áp suất thuỷ lực từ 70 bar đến 700 bar; TDC-DT.SS1: Lĩnh vực dung tích – bình chuẩn kim loại.

Ông Nguyễn Nam Thắng - Trưởng phòng Đo lường Áp suất, Viện Đo lường Việt Nam đại diện cho đơn vị thực hiện và điều phối với vai trò là Pilot trong chương trình so sánh liên phòng đã báo cáo kết quả so sánh liên phòng đối với các phép hiệu chuẩn chuẩn đo lường thuộc các lĩnh vực Điện, Áp suất, Dung tích. Chương trình được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2022.

Lĩnh vực Điện: Mẫu thực hiện là công tơ chuẩn 3 pha, cấp chính xác 0,1. Phép hiệu chuẩn này có sự tham gia của Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3.

Lĩnh vực Áp suất: Mẫu thực hiện là Áp kế điện tử có phạm vi đo từ 0 bar đến 700 bar. Phép hiệu chuẩn này có sự tham gia của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Đo lường Quân đội.

Lĩnh vực Dung tích: Mẫu thực hiện là Bình chuẩn kim loại dung tích 10 L, cấp chính xác 0,1. Phép hiệu chuẩn này có sự tham gia của Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3.
 

Các đại biểu tham dự cuộc họp tại Tổng cục TCĐLCL.

Báo cáo tổng kết nhấn mạnh kết quả như sau: Chương trình So sánh liên phòng được tiến hành đúng kế hoạch theo Thủ tục kỹ thuật đã thống nhất. Các kết quả được trình bày trong báo cáo dựa trên dữ liệu do các đơn vị tham gia gửi đến đơn vị chủ trì để tổng hợp và xử lý số liệu; Các Phòng thí nghiệm (PTN) đã hoàn thành nội dung thực hiện, bao gồm quá trình như tiếp nhận mẫu, tiến hành đánh giá mẫu, xử lý kết quả sau đó gửi mẫu đến PTN tiếp theo; Chuẩn so sánh đã được theo dõi và đánh giá tại Viện Đo lường Việt Nam (VMI) trước và sau chương trình so sánh để khảo sát và đánh giá độ không ổn định dài hạn. Độ ổn định dài hạn đã được tính đến để đánh giá độ không đảm bảo đo.

Về đánh giá mẫu, các PTN đã tuân thủ quy định tại thủ tục kỹ thuật. Kết quả và số lượng thành phần độ không đảm bảo đo (ĐKĐBĐ) được ước lượng của các PTN tham gia đều dựa trên hướng dẫn của Quy trình và không PTN nào bổ sung thêm các thành phần ĐKĐBĐ; Việc vận chuyển mẫu giữa các đơn vị cần được lưu ý, quan tâm khi thực hiện; Kết quả của so sánh liên phòng là bằng chứng để các PTN tham gia có thể nâng cao kinh nghiệm trong công tác hiệu chuẩn và đặc biệt là nhận biết/nâng cao khả năng đo tốt nhất (CMC) của mình.

Kết thúc cuộc họp, ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đánh giá cao kết quả chương trình so sánh liên phòng hiệu chuẩn chuẩn đo lường trong năm 2022 và ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị tham gia, đặc biệt là các chuyên gia về đo lường trực tiếp thực hiện góp phần quan trọng để có được thành công của chương trình so sánh liên phòng này. Báo cáo kết quả trình bày tại hội nghị vừa thể hiện tính khoa học chuyên sâu, tính xã hội, tính quản lý và vừa mang tính đào tạo nâng cao trong đo lường.

Để đáp ứng mục tiêu, ý nghĩa của chương trình so sánh liên phòng về đo lường, Lãnh đạo Tổng cục nhấn mạnh cần thực hiện các công việc sau: Khẩn trương ban hành quy định, hướng dẫn trình tự thủ tục thực hiện so sánh liên phòng về đo lường để các tổ chức, phòng thí nghiệm có cơ sở pháp lý thực hiện và thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo tính chính xác, thống nhất trong đo lường; Tiếp tục thực hiện so sánh liên phòng về đo lường đối với các lĩnh vực đo khác như thời gian, tần số; khối lượng; nhiệt độ... hoặc mở rộng phạm vi đo, cấp chính xác của chuẩn đo lường...

Nghiên cứu cơ chế đảm bảo hoạt động so sánh liên phòng về đo lường được thực hiện thường xuyên liên tục và làm cơ sở nâng cao năng lực khả năng đo hiệu chuẩn, kiểm định, thử nghiệm của các tổ chức tham gia dịch vụ về đo lường; Nâng cao khả năng đo hiệu chuẩn với mục tiêu được thừa nhận quốc tế để nâng cao cấu phần về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1190

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)