Thứ năm, 29/12/2022 16:58 GMT+7

Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị là dịp để đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2022, cũng như trao đổi, thảo luận giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về KH,CN&ĐMST ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.

Tạo hành lang pháp lý mới để khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2022, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6/2022. Đây là động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
 


Toàn cảnh hội nghị tổng kết

Bộ cũng tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV về sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử.

"Như vậy, đến năm 2025, 5 trong 8 luật của ngành KH&CN sẽ được sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo cho cả giai đoạn tiếp theo", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.
 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Về các văn bản dưới luật, trong năm 2022, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Thông tư quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo hướng đồng bộ, liên thông, cắt giảm các thủ tục hành chính và từng bước tin học hóa việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN.

Đồng thời, Bộ KH&CN cũng tập trung hoàn thiện các Thông tư ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư liên quan đến việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược hướng đến mục tiêu KH&CN và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 được Bộ KH&CN đề ra, đó là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp để giảm bớt thủ tục hành chính, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.

Xây dựng cơ chế và đề xuất triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án KH&CN. Trong đó, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh.
 


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Lãnh đạo Bộ KH&CN chủ trì hội nghị.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo cả trong nước và ngoài nước; khuyến khích doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các Quỹ phát triển KH&CN, sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học thông qua đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, các dự án ươm tạo công nghệ, dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; khuyến khích hợp tác công-tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sau phần khai mạc của Bộ trưởng, Thứ trưởng Lê Xuân Định có bài báo cáo minh họa thêm những thành tựu trong khoa học xã hội nhân văn, tự nhiên, công nghiệp, nông nghiệp... KH&CN đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin,...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
 


Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định báo cáo tổng kết về công tác triển khai nhiệm vụ KH,CN&ĐMST năm 2022

Theo Thứ trưởng, năm 2022, Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Điều này thể hiện trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế trong hoạt động của ngành. Trong đó có những bất cập về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST. "Việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nhìn nhận thị trường KH&CN còn chậm phát triển. Hoạt động đổi mới, ứng dụng và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp chưa hiệu quả”.

Đề xuất chính thức triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Tại Hội nghị, Bộ KH&CN cũng đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép chính thức triển khai bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023.

Thông tin thêm về bộ chỉ số này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên Bộ KH&CN thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương.

"PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh/thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST", Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay.

Vừa qua, chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO chỉ định đã tiến hành kiểm định độc lập bộ chỉ số. Kết quả thử nghiệm cho thấy bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích. Kết quả kiểm định cũng cho thấy còn một vài chỉ số cần được xem xét khi triển khai trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới. Việc rà soát, xem xét, tinh chỉnh hằng năm để phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cũng là thông lệ chung trong xây dựng các chỉ số tổng hợp.
 


Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tham luận về Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam và các địa phương

Trên cơ sở kết quả thử nghiệm thành công bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2022, Bộ KH&CN đề xuất được cấp có thẩm quyền cho phép chính thức triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. UBND các tỉnh, thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương dựa trên KH,CN&ĐMST; sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST tạo của địa phương...

Về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI), Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho biết, báo cáo mới nhất cho thấy Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu (tăng 7 bậc so với với năm 2021) và xếp thứ 6/10 trong ASEAN. Kết quả trên vừa được công bố trong báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ (Government AI Readiness Index) năm 2022" do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện. Đây là lần thứ 5 báo cáo chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu được xuất bản, sau bốn lần vào năm 2017, 2019, 2020 và 2021.

Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng AI của Chính phủ từ 181 quốc gia trong việc khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ của mình. Chỉ số được sử dụng như một công cụ để so sánh tình trạng hiện tại về mức độ sẵn sàng cho AI của Chính phủ ở các quốc gia so sánh với các nước trong khu vực trên toàn cầu để học tập kinh nghiệm hữu ích phát triển.

Phương pháp đánh giá năm 2022 sử dụng 39 chỉ số trên ba trụ cột (Chính phủ, trình độ công nghệ, hạ tầng và dữ liệu) với 10 khía cạnh thuộc nhóm cơ sở hạ tầng, tính sẵn sàng của dữ liệu, tính đại diện của dữ liệu, nguồn nhân lực, năng lực đổi mới, quy mô, khả năng thích ứng, năng lực kỹ thuật số, quản trị và đạo đức, tầm nhìn.

Trong lần đánh giá này, Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN (tăng 7 bậc so với với năm 2021 theo xếp hạng trên thế giới là 62/160). Điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 53.96 (tăng so với năm 2021 là 51.82), vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới (44.61).

Trình độ công nghệ trong toàn khu vực Đông Á đang ngày càng phát triển. Theo số liệu có 9 quốc gia Đông Á có công ty kỳ lân (công ty trị giá hơn 1 tỷ USD) trong năm nay, so với 6 công ty trong báo cáo xếp hạng năm ngoái. Philippines, Việt Nam và Malaysia đều có thêm công ty đáp ứng điều kiện trên.

Theo nhận định đây là khu vực có vị trí tốt cho sự phát triển của ngành công nghệ bởi dân số trẻ, có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số.

Sau phần báo cáo của Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đại diện các bộ, ngành cũng có báo cáo minh họa rõ hơn những kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học. Các ý kiến đều khẳng định, thông qua các nhiệm vụ khoa học, giúp cho từng lĩnh vực phát triển vượt bậc.

'Khoa học công nghệ đóng góp quan trọng vào tăng GDP'

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, với tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% năm 2022 khoa học công nghệ đã góp phần không nhỏ, đặc biệt là các hoạt động ĐMST.
 


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của ngành KH&CN, trong bối cảnh rất khó khăn của năm 2022, vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ

Phó Thủ tướng nêu 5 nhiệm vụ cơ bản mà Bộ KH&CN cần tiếp tục đẩy mạnh, nỗ lực hơn nữa trong năm 2023 và những năm tiếp theo để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển.

Cụ thể, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ KH&CN là nghiên cứu để hình thành hệ thống văn bản pháp lý thực sự hiệu lực để các nhà khoa học không phải lo hóa đơn, chứng từ quá nhiều nữa. "Mong ước của nhiều nhà khoa học là giấy tờ báo cáo kết quả khoa học dày hơn hóa đơn, chứng từ", Phó Thủ tướng chia sẻ và đề nghị Bộ KH&CN phải chủ trì nghiên cứu kỹ những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong các luật, nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ và đề xuất giải pháp, sửa đổi chi tiết, cụ thể.

Hệ thống thông tin quản lý KH&CN tiếp tục hướng tới công khai, minh bạch trong mọi khâu từ giao đề tài, phản biện, nghiệm thu…, đặc biệt là khâu phản biện.

Bộ KH&CN cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực khoa học xã hội, chính trị, quản lý, nhất là một số đề án lớn như Bộ Lịch sử Việt Nam, Địa chí quốc gia Việt Nam, Bách khoa Toàn thư…

"Bộ KH&CN đã "thắp lên ngọn đuốc" khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up), lan tỏa ra các bộ, ngành, địa phương và phải tiếp tục là nòng cốt cho phong trào này", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng đánh giá, những năm qua, Bộ KH&CN đã từng bước đổi mới hệ thống ĐMST quốc gia, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Tới đây, khi được chính thức giao nhiệm vụ quản lý về ĐMST, Bộ cần nỗ lực hơn nữa vì đây là trách nhiệm rất nặng nề, phức tạp khi có nhiều chỉ số cần phải cải thiện: Môi trường pháp lý; nhân lực; tỉ lệ sinh viên nước ngoài/sinh viên bản địa; hạ tầng môi trường, sinh thái; số bài báo khoa học; xuất khẩu sản phẩm có sở hữu trí tuệ và văn hóa…

"Bộ KH&CN phải giữ vai trò điều phối với các bộ, ngành để cải thiện các chỉ số còn thấp để thúc đẩy cả xã hội cùng đổi mới sáng tạo", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý trong xếp hạng đổi mới sáng tạo địa phương, bên cạnh các tiêu chí quốc tế nhưng cần tính đến đặc thù, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, miền, nhằm khơi dậy tinh thần ĐMST trên cả nước.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vai trò của các bộ phụ trách lĩnh vực sản xuất, các hiệp hội doanh nghiệp trong thúc đẩy ĐMST trong cộng đồng doanh nghiệp. "Bộ KH&CN cần làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ liên quan, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các hiệp hội làm nòng cốt", Phó Thủ tướng yêu cầu và mong muốn Bộ KH&CN phát động phong trào ĐMST.

Đối với lĩnh vực Start-up, Bộ KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào Start-up trong các trường đại học.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ khái niệm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) mang tính dài hạn. Trong đó, để cải thiện năng suất lao động thì phải cơ cấu lại nền kinh tế, lực lượng lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Lãnh đạo, Nguyên lãnh đạo Bộ KH&CN, các Đại biểu

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của ngành KH&CN, trong bối cảnh rất khó khăn của năm 2022, vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Chính phủ kỳ vọng Bộ KH&CN sẽ tạo được xung lực mới, cùng với các bộ, ngành khác có bước tiến mạnh mẽ hơn trong năm 2023.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3517

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)