Hội thảo được chủ trì bởi các chuyên gia cao cấp - ông Zafer Mustafaoglu, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ban Tài chính, Năng lực Cạnh tranh & Đổi mới; ông Anwar Aridi, Chuyên gia cao cấp về khu vực tư nhân, Trung tâm tài chính và đổi mới FCI Seoul của Ngân hàng Thế giới.
Hội thảo còn có sự tham gia của các diễn giả là Tiến sĩ Hee-Chang Park, Giám đốc, Ban Đánh giá Công nghệ, Tập đoàn Tài chính Công nghệ Hàn Quốc (KOTEC) và Tiến sĩ Jiratchaya Duangburong, Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ Đánh giá Công nghệ Thái Lan (TTRS), Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Thái Lan (NSTDA).
Đồng chí Tạ Việt Dũng - Phó Giám đốc Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF) cùng các cán bộ, viên chức thuộc Quỹ và một số đại biểu của các đơn vị khác thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự Hội thảo trực tuyến.
Ông Zafer Mustafaoglu, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ban Tài chính, Năng lực cạnh tranh & Đổi mới, WB khai mạc và đề dẫn Hội thảo
Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm đến từ các chuyên gia của KOTEC ( Hàn Quốc) và NSTDA ( Thái Lan), WB, Peru… về các điều kiện và thách thức chính khi triển khai hệ thống xếp hạng công nghệ tại Việt Nam. Từ đó, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới sẽ hỗ trợ Quỹ NATIF xây dựng, hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn nhằm áp dụng cho Quỹ trong hoạt động đánh giá, xét chọn tuyển chọn các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ gồm: đánh giá tính khả thi của công nghệ, sản phẩm và thị trường; đánh giá năng lực doanh nghiệp; đánh giá khả năng hấp thụ công nghệ cho doanh nghiệp; đánh giá tính khả thi chung của nhiệm vụ, dự án. Đồng thời có thể đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp sau khi thực hiện nhiệm vụ sử dụng hỗ trợ tài chính Quỹ so với giai đoạn trước khi nhận được hỗ trợ.
Hàn Quốc đã thành lập KOTEC vào năm 1989 và thiết kế một chương trình đảm bảo công nghệ độc đáo, đánh giá tiềm năng của các công nghệ thuộc sở hữu của các công ty và cung cấp bảo lãnh dựa trên đánh giá kỹ thuật. Kể từ đó, tài chính công nghệ đã trở thành một công cụ chính sách hiệu quả để hỗ trợ đầu tư vào phát triển và đổi mới công nghệ có tác động tích cực đáng kể đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Từ năm 2015 đến năm 2017, trong khuôn khổ Chương trình Chia sẻ Tri thức (KSP) do chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ, KOTEC đã giúp Tập đoàn Bảo lãnh Tín dụng Thái Lan (TCG) và NSTDA xây dựng Hệ thống Đánh giá Công nghệ Thái Lan (TTRS) dựa trên hệ thống đánh giá công nghệ của Hàn Quốc. Sau thí điểm, Thái Lan đã triển khai thành công TTRS áp dụng riêng cho mình và kết quả là Thái Lan có thể chọn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ có triển vọng và cung cấp hỗ trợ tài chính và phi tài chính.
Tiến sĩ Hee-Chang Park, KOTEC đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về xây dựng hệ thống xếp hạng đánh giá công nghệ tại Hàn Quốc. Trong đó ba nhân tố quan trọng cho việc chuyển giao thành công là cơ sở dữ liệu, cam kết của các đối tác và nâng cao năng lực chuyên môn trong lĩnh vực xếp hạng công nghệ. Chương trình chia sẻ tri thức KSP do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ đã được thực hiện để xây dựng hệ thống xếp hạng công nghệ TRS tại Thái Lan, Việt Nam, Peru. Bên cạnh đó, KOTEC đã hợp tác với nhiều tổ chức tại Singapore, Columbia, Ma-rốc… để xây dựng và phát triển hệ thống này.
Tiếp đó, Tiến sĩ Jiratchaya Duangburong, NSTDA đã trình bày rất cụ thể hoạt động xây dựng hệ thống xếp hạng công nghệ, những thành công và bài học rút ra từ việc phát triển và triển khai TTRS tại Thái Lan. Việc xây dựng hệ thống TTRS được thành công là do có sự hợp tác tốt giữa các định chế tài chính và ĐMST, giữa các đơn vị viện - trường đại học và các tổ chức tài chính; và nổi bật là sự hợp tác giữa Bộ Khoa học và Bộ Tài chính, thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Thái Lan trong việc xây dựng hệ thống đánh giá xếp hạng công nghệ và bảo lãnh tín dụng.
Ông Tạ Việt Dũng - Phó Giám đốc Quỹ NATIF trình bày tại Hội thảo
Đại diện lãnh đạo Quỹ (NATIF), Tiến sĩ Tạ Việt Dũng đã có tham luận giới thiệu về hoạt động mới của Quỹ, chương trình đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới và đề xuất mong muốn phát triển một hệ thống đánh giá công nghệ tương tự cho Việt Nam.
Tại phần thảo luận, Hội thảo đã tiếp nhận nhiều câu hỏi thiết thực về kinh nghiệm xây dựng hệ thống TRS của Hàn Quốc và Thái Lan. Các chuyên gia đã giải đáp chia sẻ rất tích cực về cơ sở dữ liệu, hệ thống quản trị rủi ro, các khó khăn, thách thức có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, sự hỗ trợ của chính phủ, các định chế tài chính và đối tác tác động đến sự thành công của hệ thống này tại mỗi quốc gia./.