Thứ ba, 28/03/2023 17:10 GMT+7

Cuộc họp Điều phối viên quốc gia hợp tác với IAEA khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Từ ngày 20-22/3/2023, Cuộc họp Điều phối viên quốc gia hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được tổ chức tại Thủ đô Viên, Cộng hòa Áo. Bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử, Điều phối viên quốc gia hợp tác với IAEA của Việt Nam, được bầu làm Chủ tọa cuộc họp.

Cuộc họp nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả của chương trình hợp tác kỹ thuật (TC) giữa IAEA và các nước thành viên cũng như của toàn khu vực trong giai đoạn triển khai các dự án mới năm 2024-2025.

Tham dự cuộc họp về phía IAEA có ông Hua Liu, Phó Tổng Giám đốc kiêm Vụ trưởng Vụ Hợp tác kỹ thuật; bà Jane Gerardo-Abaya, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các nhà quản lý, chuyên gia của khu vực này. Cuộc họp có sự tham dự của hơn 90 đại biểu đến từ 36 quốc gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội thảo về phía Đoàn Việt Nam còn có ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Điều phối viên quốc gia Hiệp định RCA và bà Lê Minh Hằng, trợ lý Điều phối viên.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Tổng Giám đốc Hua Liu nhấn mạnh trải qua đại dịch Covid-19 và đối mặt với những thách thức đặt ra, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cho thấy sự thay đổi trong tư duy, vượt ra khỏi những cách thức làm việc truyền thống. Các quốc gia giờ đây có nhiều kinh nghiệm hơn, sáng tạo hơn để triển khai chương trình TC xuyên suốt và hiệu quả.
 


Phó Tổng Giám đốc IAEA Hua Liu phát biểu khai mạc Cuộc họp.

Ông nhấn mạnh chương trình TC của IAEA là cách thức mà tổ chức này chuyển giao công nghệ hạt nhân để hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng và tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động, Chính phủ các quốc gia đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình hợp tác kỹ thuật chính là nỗ lực của IAEA để góp phần hỗ trợ các quốc gia thực hiện mục tiêu này. Ông đánh giá cao những đóng góp tích cực của các Điều phối viên quốc gia và trợ lý Điều phối viên quốc gia trong việc hỗ trợ IAEA xây dựng kế hoạch, thực hiện, giám sát và báo cáo kết quả chương trình TC. Năm 2022, thông qua chương trình TC ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, IAEA đã hỗ trợ cho 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 7 quốc gia kém phát triển nhất và 7 quốc đảo nhỏ đang phát triển. Tỷ lệ thực hiện chương trình đạt 86,4% tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, an toàn bức xạ và hạt nhân, tài nguyên nước và môi trường.

Ông cũng nhắc lại các Sáng kiến chiến lược của IAEA hiện nay, bao gồm Sáng kiến Dự án hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền qua động vật (ZODIAC), Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân xử lý rác thải nhựa đại dương (NUTEC Plastic), Những tia hy vọng (Rays of Hope) và mong muốn các quốc gia trong khu vực tích cực hưởng ứng và tham gia các Sáng kiến này.

Ông nhấn mạnh hợp tác chặt chẽ là chìa khóa thành công để thực hiện Chương trình TC, đồng thời mong muốn các quốc gia sẽ đóng góp những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, củng cố và tăng cường quan hệ đối tác, khuyến khích các hình thức hợp tác ba bên và đa phương để thúc đẩy hơn nữa ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
 


Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi chào mừng và giới thiệu bộ sách đưa khoa học và công nghệ hạt nhân vào giảng dạy tại bậc trung học

Cuộc họp cũng nhận được sự hiện diện và chào mừng của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi. Tại đây, ông đã giới thiệu bộ sách đưa khoa học và công nghệ hạt nhân vào giảng dạy tại bậc trung học. Ông cho rằng để duy trì tính bền vững của các ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân, cần quan tâm bồi dưỡng và nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về vai trò quan trọng của các ứng dụng hạt nhân trong cuộc sống thông qua các hoạt động nghiên cứu ở bậc trung học. Ấn phẩm đưa ra hướng dẫn cho các quốc gia thành viên để xem xét xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh và giáo viên, khuyến khích học sinh trung học tham gia nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp về lĩnh vực hạt nhân trong tương lai.
 


Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử trình bày tại Cuộc họp.

Tại Cuộc họp, bà Trần Bích Ngọc đã được mời trình bày nội dung về vai trò quan trọng chủ đạo của Điều phối viên quốc gia trong lập kế hoạch và triển khai chương trình TC. Điều phối viên quốc gia của Việt Nam cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai các dự án TC, trong đó có sự thay đổi về chính sách quốc gia, các thủ tục phê duyệt dự án trong nước, chậm đóng niên liễm cũng như khó khăn để kết hợp hiệu quả dự án quốc gia với dự án vùng/khu vực.

Qua 3 ngày làm việc tích cực, hiệu quả, Cuộc họp đã đưa ra nhiều đánh giá quan trọng. Bà Trần Bích Ngọc, chủ tọa Cuộc họp đã nêu bật các vấn đề các bên cùng quan tâm, khẳng định việc duy trì kết nối và trao đổi thông tin là phương thức hiệu quả để quản lý chương trình TC, nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy đối thoại với các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia và thiết lập kênh giám sát/quản lý giữa các nước thành viên và Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA.
 

Các đại biểu tham dự Cuộc họp.

Đối với Điều phối viên/trợ lý Điều phối viên quốc gia, cần đào tạo và nâng cao năng lực sử dụng các công cụ quản lý, xây dựng kế hoạch quản lý tri thức để các dự án TC trong tương lai được thực hiện xuyên suốt và hiệu quả. Bên cạnh đó, trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện dự án TC, IAEA và các quốc gia cần xác định rõ những ưu tiên, định hướng của quốc gia, linh hoạt trong quá trình triển khai dự án để phù hợp với những thay đổi về chính sách của quốc gia. IAEA cũng khuyến khích các quốc gia thành viên tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập và làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ hạt nhân, sớm đưa nội dung về khoa học và công nghệ hạt nhân vào chương trình giảng dạy./.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1154

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)