Thứ hai, 10/04/2023 08:44 GMT+7

Đưa tư duy năng suất vào đời sống của sinh viên

Việc giảng dạy, đào tạo về năng suất ngay từ cấp 1, 2, 3 cho tới sinh viên sẽ giúp hình thành tư duy năng suất, từ đó tạo thành lối sống hiệu quả, có chất lượng.

Đó là chia sẻ của TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại buổi tọa đàm “Tổng quan về năng suất, chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng” diễn ra tại trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chiều 6/4.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Tham gia chương trình, về phía Tổng cục TCĐLCL có TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục; Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam; Ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh văn phòng Tổng cục; Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL – Sở KH&CN TP.HCM. 

Về phía Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM có TS. Thái Doãn Thanh – Đảng ủy viên, Phó hiệu trưởng nhà trường.

Theo nhiều chuyên gia, trong nền kinh tế hiện đại, yếu tố quan trọng nhất, quyết định tăng trưởng của mỗi quốc gia chính là khoa học công nghệ. Trong đó, năng suất chất lượng là yếu tố then chốt, đảm bảo cho mọi thành công. Năng suất là yếu tố luôn được cải tiến để phù hợp với tính chất, quy mô, phạm vi của mỗi tổ chức, doanh nghiệp tại thời điểm nhất định.

Khác với các nguồn lực khác, khoa học công nghệ là yếu tố không bị giới hạn như đất đai, tài nguyên hay vốn lao động. Đây cũng là yếu tố có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển thoát khỏi thu nhập trung bình và chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Vì vậy, triển khai áp dụng năng suất chất lượng vào doanh nghiệp luôn là nội dung được quan tâm, phát triển, giúp doanh nghiệp tránh bị lạc hậu về sau, thậm chí đối mặt với nguy cơ đổ vỡ.

TS. Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho rằng, ở Việt Nam, năng suất làm việc hay năng suất chất lượng sản phẩm đang là vấn đề báo động. Một quốc gia có hùng mạnh hay không, GDP cao hay không, phụ thuộc rất lớn vào năng suất. Và năng suất gắn chặt với mọi người, trong đó vai trò của khoa học công nghệ là rất lớn trong việc tăng năng suất, chất lượng.

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang có những bước chuyển mình rất lớn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như thực hiện việc chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, với mục tiêu tăng năng suất.

“Để làm được điều đó, lộ trình có rất nhiều bước, trong đó nhận thức là vấn đề đầu tiên. Hiểu đúng, hiểu đủ, đặc biệt là những bạn sinh viên trong cả nước. Qua tọa đàm lần này, chúng tôi hy vọng các vị đại biểu sẽ truyền tải được những vấn đề cốt lõi để sinh viên có thể vận dụng, triển khai trong thực tế”, TS. Thái Doãn Thanh chia sẻ.
 

 TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ tại Tọa đàm.

Trao đổi tại tọa đàm, TS. Hà Minh Hiệp cho rằng, đôi lúc chúng ta cứ trong vòng luẩn quẩn của vấn đề năng suất thấp, tăng giá bán, chi phí tăng, tiêu thụ thấp, không dùng hết, quay vòng vốn chậm… Những vấn đề này không chỉ xảy ra ở doanh nghiệp mà ở các đơn vị dịch vụ công, kể cả trong trường đại học, hay cơ quan quản lý nhà nước…

Lý giải về việc tại sao lại đưa chương trình năng suất vào trường Đại học, TS. Hà Minh Hiệp cho biết, Tổng cục TCĐLCL đã có 10 năm làm về chương trình năng suất, từ năm 2010 – 2020. Trong 10 năm, Tổng cục đã mang chương trình đào tạo năng suất đến hàng ngàn doanh nghiệp, kết thúc chương trình những người thực hiện đã biên soạn 40 cuốn sách về năng suất, từ nông nghiệp, công nghiệp, y tế, lao động, đổi mới sáng tạo…

“Quá trình đào tạo cho doanh nghiệp chúng tôi phát hiện ra một điều chủ doanh nghiệp nào quan tâm thì năng suất tăng và có những bước đột phá. Thế nhưng ngược lại, người đi học lại không thích. Bởi vì điều họ quan tâm là học năng suất này có ra tiền hay không?”, TS Hà Minh Hiệp nói.

Thế nhưng, nhìn lại chặng đường phát triển của các nước từ Nhật Bản, Singapore… họ dạy năng suất từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 cho tới sinh viên. Từ đó hình thành nên tư duy năng suất. 

"Nếu chúng ta có một tư duy, thói quen về năng suất sẽ tạo thành lối sống hiệu quả, có chất lượng. Chính vì thế, chúng tôi đã mạnh dạn báo cáo Thủ tướng đưa thử chương trình này vào trường Đại học. Vừa qua, Tổng cục đã chọn 5 trường để tổ chức các môn học. Đấy là cách tiếp cận về chuyên sâu. Cùng với đó là tạo các diễn đàn để sinh viên quan tâm và hình thành tư duy, thói quen về năng suất”, TS. Hà Minh Hiệp chia sẻ.
 


 

Các chuyên gia thuyết trình tại buổi tọa đàm

Các chuyên gia giải đáp các thắc mắc của sinh viên

Các sinh viên quan tâm đặt câu hỏi cho các diễn giả

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1135

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)