Thứ ba, 18/04/2023 15:27 GMT+7

Hội thảo khoa học “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao ở các trường đại học”

Ngày 15/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao ở các trường đại học”.

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các đơn vị của Bộ KH&CN gồm Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Học viện Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Văn phòng Bộ; lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT gồm Vụ Giáo dục đại học, Vụ khoa học công nghệ và môi trường cùng gần 200 đại biểu là đại diện Lãnh đạo, nhà khoa học thuộc hơn 50 trường đại học, viện nghiên cứu khu vực miền Nam và miền Trung.
 


Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đã được nhấn mạnh là một trong ba đột phá chiến lược trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, ngày 30/12/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP. Hội thảo khoa học “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao ở các trường đại học” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi, tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, giảng viên đại học ở khu vực phía Nam và lân cận để định hướng triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học của Quỹ trong giai đoạn tiếp theo, đóng góp tích cực thực hiện thành công Nghị định số 109/2022/NĐ-CP, đặc biệt là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao tại các trường đại học. Thứ trưởng hy vọng, thông qua Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ có những trao đổi, góp ý quan trọng để sau đó Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Quỹ và các cơ quan quản lý khác có liên quan sẽ có các chính sách phù hợp nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao của các trường đại học.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định “Nghiên cứu khoa học là một trong các hoạt động quan trọng tại trường đại học nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước”. Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục đại học đã tập trung đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ đồng thời xác định rõ hai nhiệm vụ chính trị của nhà trường là đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về hoạt động KHCN, đặc biệt là Nghị định 109/2022 của Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thông qua Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc hy vọng sẽ lắng nghe các ý kiến chia sẻ của các nhà khoa học, để trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành với Bộ KH&CN hoàn thiện các đề án, các chính sách thúc đẩy hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học.Thứ trưởng cũng nhận định, hoạt động của Quỹ NAFOSTED thời gian qua đã tạo ra những chuẩn mực trong nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận đã nêu các vấn đề về thực trạng nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao hiện nay tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như thực trạng xây dựng nhóm nghiên cứu, triển khai nghiên cứu khoa học tại các đơn vị. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết nguồn nhân lực nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay còn rất thiếu, 5 lĩnh vực chính phục vụ cho phát triển công nghệ cao là Kỹ thuật công nghệ, khoa học máy tính, toán, khoa học cơ bản nói chung và khoa học sự sống cần được tập trung đào tạo. Để phát huy nguồn nhân lực tại các cơ sở giáo dục đại học phục vụ phát triển công nghệ cao, Bộ GD&ĐT đang xây dựng các đề án tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng và thu hút đội ngũ trí thức trong và ngoài nước. Tại Hội thảo, PGS.TS. Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và GS.TS. Sử Đình Thành cũng có chia sẻ về thực trạng nghiên cứu tại đơn vị. Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng các trường vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. Đại diện nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, GS.TS. Phan Bách Thắng cũng có đưa ra thực trạng xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh tại đơn vị. Ý kiến chung của các nhà khoa học cho thấy tiềm năng của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tại hệ thống các trường Đại học là tiềm tàng, tuy nhiên cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ nghiên cứu còn rất thiếu. Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia là một kênh tài trợ quan trọng đối với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ trên cả nước, hơn 10 năm qua đã hoạt động tốt và hiệu quả, cần được phát huy, mở rộng quy mô trong giai đoạn tiếp theo.

Báo cáo tại Hội thảo, TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc cơ quan điều hành Quỹ cho biết, NAFOSTED hoạt động theo mô hình cơ quan tài trợ nghiên cứu khoa học phổ biến ở các nước phát triển với mục tiêu tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi nhằm nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, bao gồm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao cho Việt Nam. Giai đoạn 2021-2025, Quỹ có kế hoạch điều chỉnh cơ cấu phân bổ kinh phí tài trợ, hỗ trợ cho phù hợp với yêu cầu thực tế, theo đó chương trình nghiên cứu cơ bản hướng đến thúc đẩy các nghiên cứu xuất sắc, đột phá, liên ngành; tăng tỷ lệ tài trợ cho các nghiên cứu ứng dụng nhằm gia tăng bằng sở hữu trí tuệ của nhà khoa học; tăng tỷ lệ hỗ trợ cho hoạt động nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia nhằm tăng hỗ trợ cho nhà khoa học trẻ trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu. Giám đốc CQĐH Quỹ cũng cho biết, Quỹ đang nỗ lực rà soát, đề xuất điều chỉnh các quy định tới các cơ quan liên quan để được tăng nguồn ngân sách tài trợ, hỗ trợ hàng năm theo quy định tại Điều lệ Quỹ, đồng thời có cơ chế quản lý tài chính thuận lợi, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tại hệ thống trường đại học triển khai nghiên cứu thuận lợi, thúc đẩy chất lượng nghiên cứu, phát triển các tập thể nghiên cứu mạnh.
 


Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang và Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (giữa) chủ trì tọa đàm

Trong phần tọa đàm do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang và Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều chia sẻ và đề xuất như mở rộng quy mô tài trợ, đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đảm bảo tài chính theo kết quả đầu ra của các nghiên cứu. Các đại biểu kiến nghị các bộ, ngành cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính, kinh phí cần cấp “đúng thời điểm” để đảm bảo tính thời sự và hiệu quả của nghiên cứu; trong đó cần có cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu; mở rộng phạm vi và khuôn khổ tài trợ của mô hình Quỹ khoa học và công nghệ với cơ chế thuận lợi để thúc đẩy các nghiên cứu xuất sắc, đột phá.
 


Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho đất nước, những năm qua Chính phủ luôn sát sao chỉ đạo các Bộ ngành triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo. Hai trong số các trụ cột quan trọng đóng góp chính cho mục tiêu này là thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và nguồn lực con người, gia tăng các kết quả đầu ra về tri thức KH&CN. Chính vì vậy, nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao ở các trường Đại học là hết sức quan trọng và ý nghĩa, được Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT dành sự ưu tiên, chú trọng rất cao. Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, các đề xuất, kiến nghị rất tâm huyết của các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ được nêu lên trong Hội nghị. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị quản lý của Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan quản lý của Bộ GD&ĐT để hoàn thiện các cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa năng lực nghiên cứu, đóng góp cho việc phát triển nguồn nhân lực KHCN trình độ cao của Việt Nam nhằm triển khai hiệu quả Nghị định số 109/2022/NĐ-CP; đề nghị Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia nghiên cứu, định hướng các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học để thúc đẩy mạnh mẽ các nhóm nghiên cứu xuất sắc, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN trình độ cao, đặc biệt là nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN trẻ xuất sắc trên khắp cả nước; đề nghị các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Quỹ tập trung nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm tạo dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp đặc thù hoạt động nghiên cứu khoa học, theo thông lệ quốc tế với định hướng chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh khoán chi trong tài trợ nghiên cứu khoa học. Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT ủng hộ Quỹ trong quá trình làm việc, phối hợp với các cơ quan có liên quan để gia tăng nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ hàng năm (từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ngoài ngân sách nhà nước) nhằm đẩy mạnh hơn nữa quy mô các chương trình tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tích cực vào mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng cũng đề nghị Lãnh đạo các trường Đại học quan tâm hơn nữa về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu KH&CN tại tổ chức đào tạo của mình, tăng cường đầu tư và ưu tiên thích đáng cho hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao, hội nhập quốc tế cho các địa phương, sẵn sàng đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước./.

Tệp đính kèm:

- Các báo cáo tại Hội thảo

 

Nguồn: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia

Lượt xem: 1587

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)