Thứ ba, 25/04/2023 10:45 GMT+7

Sáng tạo của phụ nữ góp phần cải biến thế giới

Những nỗ lực của phụ nữ, bất kể họ ở đâu, thuộc độ tuổi nào và màu da gì trong hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) thời gian qua đã làm thay đổi căn bản định kiến về vấn đề "giới", phủ nhận quan điểm lỗi thời cho rằng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo không phải là địa hạt dành cho phụ nữ.

Không ngừng tạo ra giá trị mới từ hoạt động ĐMST

Thông điệp trên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), Sở KH&CN TP. Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức thông qua sự kiện cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 (IP Day 2023) tại Hà Nội.
 


Các đại biểu tham dự sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ 26/4.

Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong xã hội nói chung và trong hoạt động ĐMST, sở hữu trí tuệ nói riêng. Tác giả  của sáng chế vaccine Astrazeneca là phụ nữ phòng chống COVID-19 cứu sống hàng triệu con người trong đại dịch; người khởi nguồn cho công nghệ GPS, wifi và bluetooth là một phụ nữ và nhà khoa học nghiên cứu ra mạng internet hay công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời đều là phụ nữ. Những sáng tạo này của phụ nữ thực sự góp phần cải biến thế giới.

Tại Việt Nam, có thể kể đến các nữ nhà khoa học nổi tiếng như: PGS.TS Nguyễn Thị Trâm - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, người đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng; GS.TS Lê Mai Hương, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đoạt giải Vàng, giải Bạc tại Triển lãm quốc tế Phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc; TS Lê Thái Hà là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam được vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 được Nhà xuất bản Elsevier công bố.
 


Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí
phát biểu tại sự kiện.

Ba nhà nữ khoa học: PGS.TS Lê Minh Hà - Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS Phan Thị Phương Nhi - Đại học Nông Lâm Huế; TS Hà Thị Thanh Hương - Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được “L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” vinh danh Giải tài năng nữ khoa học trẻ thế giới.

Chính những nỗ lực của phụ nữ, bất kể họ ở đâu, thuộc độ tuổi nào và màu da gì trong hoạt động ĐMST thời gian qua đã làm thay đổi căn bản định kiến về vấn đề "giới", phủ nhận quan điểm lỗi thời cho rằng KH&CN và ĐMST không phải là địa hạt dành cho phụ nữ.

Theo điều tra kết quả nghiên cứu KH&CN tại Việt Nam, số lượng cán bộ nghiên cứu là nữ trong các tổ chức nghiên cứu của cả nước ngày càng tăng và đã đạt khoảng 44,8% vào năm 2016. Số lượng phụ nữ được phong học hàm giáo sư tăng trong 20 năm (từ năm 2000 đến năm 2020) đã tăng từ 4,3% lên 15,3%. Những con số đó cho thấy phần nào sự tham gia phụ nữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã và đang được quan tâm và có dấu hiệu tích cực.
 


Hưởng ứng sự kiện, hơn 300 sinh viên đã tham gia xếp hình biểu tượng IP DAY 2023.

"Với những hành động thiết thực cùng thông điệp "Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ: Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo" của IP Day 2023, chúng ta hy vọng khoảng cách về giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ dần được thu hẹp; đồng thời, các nhà khoa học, doanh nhân nữ và đặc biệt là các bạn sinh viên nữ - những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ không ngừng nỗ lực ĐMST để tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn", ông Đinh Hữu Phí nói. Đồng thời mong muốn tiếp tục có những hợp tác tốt đẹp với WIPO để hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn, thực sự tạo động lực cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học nữ không ngừng tạo ra những giá trị mới từ hoạt động ĐMST.

Theo ông Andrew Ong, Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam là một câu chuyện thành công về phát triển kinh tế; có tính khởi nghiệp cao. Lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng đã thay đổi và phát triển một cách rất ấn tượng.

Cùng với Cục Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, WIPO mong muốn thiết lập một cơ chế hợp tác trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống sở hữu trí tuệ như một chất xúc tác mạnh mẽ nhằm tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh doanh và cuối cùng là phát triển kinh tế - xã hội, nơi phụ nữ, giới trẻ, doanh nhân, các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà nghiên cứu, cộng đồng bản địa và các cộng đồng khác, những người chưa có kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ, có thể góp phần thực hiện sứ mệnh đó thông qua các hoạt động tiếp cận cộng đồng có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ.

Phụ nữ Thủ đô có nhiều đóng góp trong lĩnh vực KH&CN

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, trong những năm qua, phụ nữ Thủ đô đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ và thúc đẩy ĐMST. Trong số đó, nhiều người đã vinh dự được nhận các giải thưởng quốc gia, quốc tế; nhiều phụ nữ đã tích cực tham gia chủ trì, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thủ đô. Từ năm 2021 đến nay, phụ nữ Thủ đô đã chủ trì 43/73 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố.
 


Ô
ng Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại sự kiện.

Để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ với sở hữu trí tuệ và thúc đẩy ĐMST, cần tiếp tục tạo điều kiện, xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ phụ nữ phát triển tài năng và thúc đẩy sự đổi mới; tăng cường đào tạo và giáo dục cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đòi hỏi sự ĐMST. Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho phụ nữ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và nguồn lực khác cần thiết để các doanh nhân nữ phát triển và mở rộng hoạt động của mình.

“Chúng ta cần tạo ra một môi trường xã hội thuận lợi cho phụ nữ phát triển tài năng, góp phần vào sự đổi mới sáng tạo của xã hội thông qua việc xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ phụ nữ, giúp họ vượt qua các rào cản về giới, tiếp cận với các nguồn lực, cơ hội phát triển tài năng của mình”, Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
 


H
ội thảo “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra hội thảo “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, doanh nhân nữ và đặc biệt là các sinh viên nữ, cũng như kết quả hoạt động ĐMST của phụ nữ, đặc biệt khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ và gia tăng giá trị cho công việc của mình, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1302

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)