Thứ hai, 19/06/2023 16:40 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Ninh Thuận ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KHCN&ĐMST

Chương trình phối hợp hoạt động thực hiện mục tiêu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trở thành động lực chính cho sự phát triển tỉnh Ninh Thuận, đó là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng KHCN&ĐMST, nâng cao năng suất lao động.

Ngày 16/6/2023, trong khuôn khổ buổi làm việc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Tỉnh ủy Ninh Thuận đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KHCN&ĐMST giai đoạn 2023-2030 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Thuận.

Chứng kiến lễ ký kết có đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam ký kết Chương trình phối hợp công tác dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm đến phát triển KHCN&ĐMST. Trong từng giai đoạn cụ thể đều ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển KH&CN làm nền tảng cho chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Đến nay, về cơ bản, hệ thống các văn bản quy định cơ chế đặt hàng, tuyển chọn, khoán kinh phí, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp… từng bước được hoàn thiện và vận hành ổn định.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tập trung nguồn lực đầu tư. Nghị quyết đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ và cải tiến công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát triển doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa…

Từ năm 2016-2022, tỉnh đã triển khai 12 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, 62 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Các nhiệm vụ chủ yếu tập trung nghiên cứu luận cứ khoa học để đề xuất, tham mưu, ban hành các chính sách về kinh tế, văn hóa; nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường; quản lý đô thị; bảo vệ sức khỏe nhân dân; nghiên cứu tạo ra và đưa các quy trình, giải pháp sản xuất tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp... Trong đó, có nhiều kết quả nghiên cứu phục vụ hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển, giải quyết nhiều vấn đề nóng, trọng điểm, làm cơ sở khoa học cho nhiều quyết sách lớn của tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ nhằm hỗ trợ tỉnh khắc phục khó khăn khi dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân, trong đó có các nhiệm vụ KH&CN tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như nho, táo, măng tây...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: đầu tư kinh phí cho KHCN&ĐMST từ ngân sách nhà nước và từ xã hội cho R&D còn thấp; hệ thống tổ chức, nguồn nhân lực KH&CN tại chỗ còn thiếu; nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực tiếp cận, đầu tư công nghệ mới; ngoài lĩnh vực năng lượng, việc đầu tư đổi mới, chuyển giao công nghệ còn chưa đồng bộ; ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ...

Trên cơ sở thống nhất chủ trương giữa Lãnh đạo Bộ KH&CN với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về tăng cường hợp tác trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KHCN&ĐMST, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp hoạt động về KHCN&ĐMST giai đoạn 2023-2030 nhằm tăng cường phối hợp hoạt động giữa hai bên trong chỉ đạo, điều hành, triển khai phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tập trung nguồn lực của tỉnh và sự hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của Bộ KH&CN để đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN, thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp ĐMST, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi nhân dân, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; tiếp tục kế thừa, phát huy các kết quả của Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế chính sách hỗ trở tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023.

Chương trình phối hợp hoạt động có ý nghĩa lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong việc thực hiện mục tiêu đưa KHCN&ĐMST trở thành động lực chính cho sự phát triển của tỉnh, như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV đã đề ra: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng KH&CN, thúc đẩy ĐMST, nâng cao năng suất lao động”./.

Nguồn: Trung tâm NC&PT Truyền thông KH&CN, Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương

Lượt xem: 1288

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)