Thứ tư, 21/06/2023 21:56 GMT+7

Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần phải có khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, để góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 29, Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2023 đã chọn chủ đề của Phiên toàn thể “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh những việc làm cần thiết để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn nêu tại Nghị quyết 29, trong đó trọng tâm là về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để tạo đột phá cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo ông Trần Tuấn Anh, yêu cầu cần thực hiện trong giai đoạn này là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù (như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...). Ngoài ra, cần có khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh.
 

Ảnh minh hoạ

Để làm được những điều này, ông Trần Tuấn Anh cho rằng cần xây dựng lộ trình, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, phù hợp với xu thế của thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý các cấp phải rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng-ưu tiên-mũi nhọn theo hướng tập trung vào các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn.

Thêm vào đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu phải khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045). Trong đó, trọng tâm chú trọng đến việc nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải cácbon thấp.

Chính sách cần tập trung ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ, làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Đặc biệt là ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng.

“Nghị quyết 29 đã xác định mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam là mô hình dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là các quá trình chuyển đổi then chốt, là những phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình.

Trong đó, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Doanh nghiệp trong nước là động lực chính, chủ đạo đồng thời doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1103

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)