Thứ tư, 21/06/2023 22:49 GMT+7

Việt Nam dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về hài hòa tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững

Tiêu chuẩn liên quan đến tính bền vững hay còn gọi là các tiêu chuẩn SDG theo Liên Hợp Quốc chính là các tiêu chuẩn được xây dựng để hướng dẫn các doanh nghiệp và nhà đầu tư đưa tính bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trở thành cốt lõi của các hoạt động quản lý nội bộ và ra quyết định và khiến họ có niềm tin rằng họ đang làm như vậy một cách toàn diện và có hệ thống. Các tiêu chuẩn SDG hướng dẫn các tổ chức xác định ảnh hưởng nào là quan trọng và phù hợp. Khi không có đủ số liệu để quyết định, các tiêu chuẩn này có thể hỗ trợ các các tổ chức quản lý rủi ro.

Trong khuôn khổ hợp tác của Vương quốc Anh với các nước ASEAN trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, mới đây Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) đã công bố nghiên cứu về các tiêu chuẩn quốc tế và sự hài hòa tiêu chuẩn của các nước ASEAN liên quan đến tính bền vững.
 

Nghiên cứu này là một trong các hoạt động hỗ trợ của BSI nhằm thực hiện Sáng kiến của Indonesia xây dựng Lộ trình hài hòa tiêu chuẩn của ASEAN để hỗ trợ thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong nhiệm kỳ Indonesia đảm nhân vai trò Chủ tịch ASEAN 2023.

Báo cáo tập trung vào “Tính bền vững” trong đó trọng tâm phân tích về tiêu chuẩn “Thực phẩm bền vững”. Theo báo cáo, tính đến tháng 1/2023, ISO và IEC có 31.000 tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực trong đó 2.876 tiêu chuẩn liên quan đến tính bền vững được phân loại thành ba nhóm chính: i) các tiêu chuẩn giao thoa nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng, giao thông, sản xuất; ii) các tiêu chuẩn không đặc trưng cho một lĩnh vực nào liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị, iii) các tiêu chuẩn về thực phẩm bền vững được thể hiện qua tiêu đề tiêu chuẩn, từ khóa và tên của ủy ban xây dựng tiêu chuẩn đó.

Ít hơn 4% tiêu chuẩn ISO, IEC về tính bền vững được các nước ASEAN chấp nhận rộng rãi thành tiêu chuẩn quốc gia, hầu hết là tiêu chuẩn ISO 14001 và ISO 14004 về các hệ thống quản lý môi trường.

Hiện nay mới chỉ có 16 tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC) về thực phẩm liên quan đến tính bền vững trong đó chỉ có 5 nước ASEAN gồm Cam-pu-chia, Indonesia, Singapore, Malaysia và Việt Nam đã tích cực chấp nhận một hoặc nhiều hơn một tiêu chuẩn.

Báo cáo đánh giá cao Việt Nam trong hoạt động tiêu chuẩn hóa liên quan đến tính bền vững. Việt Nam đã chấp nhận 410 tiêu chuẩn của ISO và IEC liên quan đến tính bền vững, trong đó có 253 tiêu chuẩn thuộc nhóm 1, 147 tiêu chuẩn thuộc nhóm 2 và 10 tiêu chuẩn thuộc nhóm 3 đã kể trên. Đặc biệt là trong số 16 tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm, Việt Nam đã hài hòa 10 tiêu chuẩn thực phẩm, đây là chỉ số hài hòa tiêu chuẩn thực phẩm bền vững đạt mức cao so với các nước còn lại trong khu vực ASEAN. Qua đó, BSI cũng đề xuất Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và hài hòa 6 tiêu chuẩn quốc tế còn lại về thực phẩm.

Trong lĩnh vực thực phẩm, thương mại giúp cân bằng việc thiếu hụt thực phẩm, tăng cường tính đa dạng của thực phẩm và góp phần bình ổn giá. Việc sử dụng tiêu chuẩn chung một cách hiệu quả sẽ giúp hạn chế các rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho việc buôn bán, kinh doanh thực phẩm trên phạm vi toàn thế giới./.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 923

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)