Thứ tư, 12/07/2023 19:15 GMT+7

“Cần có cơ chế đặc thù cho KH&CN và đội ngũ nhân lực làm KH&CN”

Tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình về những nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp của ngành KH&CN trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho KH&CN và đội ngũ nhân lực làm KH&CN trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm và cách tiếp cận hiệu quả của quốc tế.

Hành lang pháp lý KH,CN&ĐMST tương đối hoàn thiện

Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ KH&CN về tình hình phát triển KH,CN&ĐMST.
 

Toàn cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, đến thời điểm này, hành lang pháp lý về KH,CN&ĐMST tương đối hoàn thiện với 8 luật chuyên ngành, gồm: Luật KH&CN; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Công nghệ cao; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Đo lường; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản dưới luật.

Bộ KH&CN đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết 2 Nghị quyết quan trọng của ngành. Theo đó, nhiều quan điểm mới về quản lý KH,CN&ĐMST đang được nghiên cứu, dự kiến trình Trung ương cho ý kiến như: vấn đề quản lý nhà nước về hoạt động ĐMST, việc chấp nhận rủi ro/độ trễ trong hoạt động nghiên cứu, vấn đề mô hình/cơ chế hoạt động của các Quỹ.

Bộ KH&CN cũng đang tập trung hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Trước đó, ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Bộ đang trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết quan trọng này.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc.

Về xây dựng pháp luật KH,CN&ĐMST, trong nhiệm kỳ này, Bộ đăng ký sửa đổi, bổ sung 5 Luật: Sở hữu trí tuệ, KH&CN, Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Năng lượng nguyên tử. Trong số này, Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Luật Công nghệ cao cũng sẽ được rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.  Như vậy, có thể nói, đến trước năm 2026, cơ bản hành lang pháp lý cho hoạt động KH,CN&ĐMST sẽ được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 với mục tiêu đưa KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

KH&CN đóng góp trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội

Theo báo cáo do Thứ trưởng Lê Xuân Định trình bày tại buổi làm việc, thời gian qua, KH,CN&ĐMST đã từng bước khẳng định vai trò, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nghiên cứu cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%). Khoa học và công nghệ ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa (trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi); tham gia sâu và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, an ninh, quốc phòng…

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015), vượt mục tiêu  5,5% đã đề ra. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 38,42 % năm 2016 đến 47,45% năm 2022. Chỉ số ĐMST của Việt Nam (GII) liên tục tăng vượt bậc, là quốc gia dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình; năm 2022 đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam được hình thành và phát triển nhanh chóng. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD trong năm 2019, 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo. Hệ thống các tổ chức KH&CN phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực KH&CN phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 72.990 cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (đạt 7,6 người/vạn dân), trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận.

Đề cập đến những khó khăn trong hoạt động KH,CN&ĐMST, báo cáo cũng chỉ rõ, chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST hiện hành còn thiếu đồng bộ với các chính sách trong lĩnh vực khác (ngân sách nhà nước; đầu tư; đấu thầu; quản lý, sử dụng tài sản công, thuế...), chưa phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu... phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Những vướng mắc cần tháo gỡ...

Tại buổi làm việc, chia sẻ những khó khăn của ngành KH&CN, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính mong muốn KH,CN&ĐMST thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cần có những chính sách đặc thù cho hoạt động này bởi KH&CN bên cạnh tính mới, tính sáng tạo còn có độ trễ và sự rủi ro.

Bà Phạm Thị Vân Anh, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ cho rằng, Bộ KH&CN và ngành KH&CN đã đi đầu trong việc xây dựng cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập. Nghị định 115/2005/NĐ-CP ra đời được coi như “Khoán 10” giúp tổ chức KH&CN công lập được tự chủ một các toàn diện. Tuy nhiên Nghị định 115 được điều chỉnh bằng Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã “làm khó” cho các tổ chức KH&CN công lập ở chỗ, tổ chức công lập tăng nguồn thu lên bao nhiêu thì ngân sách Nhà nước sẽ cắt giảm kinh phí tương ứng, khiến các tổ chức này “băn khoăn” làm sao để tăng nguồn thu thay vì tập trung vào mục tiêu chính là nghiên cứu.

Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải cũng chia sẻ về những khó khăn trong tiếp nhận thiết bị tài trợ phát triển mạng lưới quan trắc phóng xạ quốc gia và những khó khăn trong việc xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân; Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp mong muốn tạo được động lực đưa tiêu chuẩn Việt Nam trở thành tiêu chuẩn quốc tế; triển khai Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, có phương án thừa nhận lẫn nhau đối với các hệ thống chất lượng...

Tổng kết ý kiến của các cán bộ chủ chốt, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, KH&CN không chỉ đóng góp giá trị trực tiếp cho phát triển kinh tế mà còn gián tiếp qua nhiều năm và nhiều giai đoạn khác nhau. Trong đó đóng góp quan trọng nhất cho đất nước chính là tiềm lực, năng lực tri thức con người Việt Nam.

Dẫn chứng cụ thể trong 3 lĩnh vực đó là y học, nông nghiệp và an ninh quốc phòng. Các thành quả nghiên cứu KH&CN đã làm thay đổi bộ mặt xã hội trong nhiều thập niên qua. Đây cũng là 3 lĩnh vực được định hướng từ lúc thành lập nước đến nay nhằm giải quyết nhu cầu của cuộc sống: nghiên cứu quốc phòng để phục vụ giải phóng đất nước, lương thực thực phẩm chống đói và y học để cứu chữa bệnh. Đó là những thành tựu rất đáng tự hào của KH&CN Việt Nam.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết, cũng như thành tựu đạt được của ngành KH&CN thời gian qua dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho KH&CN và đội ngũ nhân lực làm KH&CN trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm và cách tiếp cận hiệu quả của quốc tế.
 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ những người làm KH&CN.

Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với Bộ KH&CN, ngành KH&CN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để ngành hoàn thành tốt trọng trách được giao, đồng thời mong muốn Bộ KH&CN luôn phát huy tinh thần chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ, kể cả trong việc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan; chú trọng phân cấp cho cơ sở gắn với việc kiểm tra, giám sát./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1796

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)