Thứ sáu, 29/09/2023 18:06 GMT+7

Chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh

Trong bối cảnh ngành năng lượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu phát triển bền vững, việc ứng dụng công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, đồng thời chuyển giao và làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp thiết.

Sáng 29/9/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững” diễn ra tại Quảng Ninh từ ngày 29-30/9/2023.
 

Toàn cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023.

Tham dự Diễn đàn có ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; ông Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, các nhà quản lý, nhà khoa học...

Đảm bảo an ninh năng lượng

Diễn đàn được tổ chức nhằm phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình khoa học về phát triển, ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; chia sẻ, trao đổi các xu hướng công nghệ năng lượng mới hướng tới mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới, góp phần thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát huy nội lực, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường.
 

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã phát triển theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có sự đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế và tăng trưởng GRDP của tỉnh. Công nghiệp khai khoáng và phát triển năng lượng của tỉnh Quảng Ninh không chỉ bảo đảm nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh nói riêng mà còn đóng góp quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung và duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
 

Toàn cảnh toạ đàm.

Tại Diễn đàn, các diễn giả, nhà khoa học và doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn trong phát triển công nghệ tích trữ năng lượng và giải pháp chuyển đổi xanh; cơ hội và thách thức công nghệ điện rác; phát triển điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh; giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp; chính sách KH&CN cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ năng lượng; chính sách hỗ trợ sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn năng lượng; định hướng đầu tư và phát triển năng lượng của tỉnh Quảng Ninh; kinh nghiệm ứng dụng phát triển công nghệ năng lượng mới tại các quốc gia trên thế giới.

Bàn về giải pháp chuyển đổi xanh

Chia sẻ về cách tập đoàn phát triển công nghệ tích trữ năng lượng và giải pháp chuyển đổi số sang năng lượng xanh, ông Nguyễn Đình Thứ, Tập đoàn Vingroup cho biết, nhờ chuẩn bị kỹ về công nghệ, nhân sự, hiện công ty là đơn vị tiên phong tại Đông Nam Á có khả năng sản xuất từ cell pin đến pack toàn diện, sau 2 năm. Các công nghệ liên quan tới pin dùng cho nhiều quy mô từ hộ gia đình đến thương mại công nghiệp hay những cơ sở vận hành quản lý hạ tầng điện. Trong lĩnh vực pin, năng lượng còn mới với khu vực nên đòi hỏi yếu tố công nghệ cao. Trước vấn đề công nghệ thay đổi hàng ngày cần nắm bắt xu hướng thị trường thế giới và tăng cường hợp tác để tiếp cận sản phẩm mới nhất.
 

Ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam.

Nhận định công nghệ điện rác đang là xu hướng tiềm năng, theo ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho rằng vấn đề xử lý rác cần sự đồng hành của ít nhất ba nhà: nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
 

Ông Alessandro Antonioli, Tập đoàn BP.

Trong bài tham luận của mình, ông Alessandro Antonioli, Giám đốc phụ trách điện gió ngoài khơi tại thị trường Việt Nam, Tập đoàn BP nhấn mạnh, Quảng Ninh là thị trường đặc thù, có nhiều tiềm năng cho điện gió, điện ngoài khơi, có thể xây dựng nhiều nhà máy năng lượng tái tạo vì địa thế phù hợp, giúp giảm tác động về môi trường. Ông Alessandro Antonioli khẳng định, điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam.

Đến từ Công ty cổ phần tập đoàn An Hà Phương, ông Nguyễn Văn An chia sẻ về công nghệ trong sản xuất xi măng và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giải pháp quản lý công nghệ và quy trình sản xuất.

Tại Phiên hai của Diễn đàn, các diễn giả đã cùng trao đổi tìm kiếm các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghệ.

Kết thúc Diễn đàn, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, Diễn đàn với nhiều giải pháp công nghệ, xu thế mới đã làm rõ bức tranh tổng quan về chính sách, chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26. Với nhiều giải pháp công nghệ, mô hình sản xuất mới nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng được các doanh nghiệp gợi mở, những chia sẻ tại Diễn đàn làm cơ sở xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức trong nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ.
 


 

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác giữa địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1357

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)