Chủ nhật, 15/10/2023 16:55 GMT+7

Techfest Hanoi 2023: Kết nối Vùng Thủ đô sáng tạo và phát triển

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023 là một trong những hoạt động trọng tâm góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo mở, tạo lập văn hóa khởi nghiệp và khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định tại Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023 (Techfest Hanoi 2023) với chủ đề “Hà Nội kết nối Vùng Thủ đô  sáng tạo và phát triển” diễn ra vào ngày 12/10/2023 tại Hà Nội.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Đây là sự kiện KH&CN quy mô cấp Vùng Thủ đô (gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ), có mục tiêu kiến tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) Vùng Thủ đô, lấy Hà Nội làm trung tâm, tận dụng các cơ hội, xu thế, sức mạnh liên kết Vùng để phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023 là một trong những hoạt động trọng tâm góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần ĐMST mở, tạo lập văn hóa khởi nghiệp và khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa.

Ngày hội cũng góp phần đẩy mạnh liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở, kết nối các chủ thể; liên kết và phát triển Mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo tại Vùng Thủ đô và khu vực đồng bằng sông Hồng, thúc đẩy ứng dụng giải pháp công nghệ trong sản xuất và kinh doanh, thực hiện thành công mục tiêu của các Đề án 844 (Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025), Đề án 1665 (Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025); Chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chương trình, đề án có liên quan.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá Ngày hội góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần ĐMST mở.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia phải gắn và xuất phát từ việc xây dựng hệ sinh thái tại địa phương và các vùng.

"Để hệ sinh thái phát triển bền vững, định hướng quan trọng cần ưu tiên đó là hoàn thiện chính sách, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu đề ra, phát huy vai trò đầu tàu của Hà Nội trong phát triển KH&CN" - Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Kết nối vùng Thủ đô sáng tạo và phát triển

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, trong đó Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, KH&CN, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về KH,CN&ĐMST.

Hà Nội đang phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, sức mạnh lan tỏa, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển. Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, qua đó thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại địa phương.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về khoa học, công nghệ và ĐMST.

Trong những năm qua, hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Hà Nội diễn ra khá sôi nổi và mạnh mẽ. Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên tổng số 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của cả nước (chiếm 26,32%).

Các đại biểu bấm nút khai mạc Techfest Hanoi 2023.

Đến nay đã có 32 vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước). Có 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước). Các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, kết nối đầu tư, các khóa đào tạo về khởi nghiệp ĐMST thường xuyên được tổ chức.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển Hà Nội và Vùng Thủ đô, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn đề nghị các sở, ban, ngành đẩy nhanh việc kết nối nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Phấn đấu mỗi trường đại học, viện nghiên cứu là một trung tâm ĐMST, góp phần cung cấp, kết nối nguồn lực cho hệ sinh thái.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Techfest Hanoi 2023.

Cùng với đó, tập trung xây dựng và vận hành Trung tâm ĐMST và khởi nghiệp Hà Nội. Đây là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Hà Nội và các địa phương lân cận; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh truyền thông, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội; xây dựng văn hóa khởi nghiệp, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên nhằm gia tăng chỉ số khởi nghiệp sáng tạo...

Các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm tại Techfest Hanoi 2023.

Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã cắt băng khai trương và tham quan Triển lãm giới thiệu các dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, trình diễn công nghệ và kết nối cung - cầu. Đồng thời, Diễn đàn Thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở theo định hướng ESG (Environmental (Môi trường) - Social (Xã hội) - Governance (Quản trị doanh nghiệp)) thành phố Hà Nội cũng được diễn ra.

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm giúp doanh nghiệp thấy được bức tranh tổng quan về ESG và những tác động đến kinh tế - xã hội tại Việt Nam; gợi mở cách thức và tạo động lực để giải quyết bài toán ESG qua tài chính xanh/công nghệ xanh của một số ngành tiềm năng: du lịch, quy hoạch, văn hóa...

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng tập trung thảo luận về những khung pháp lý nhằm khai thác các nguồn lực địa phương, bộ, ngành, xã hội, hình thành các hệ thống hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng; gắn kết và thu hút được nguồn lực quốc tế xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1478

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)