Thứ năm, 02/11/2023 14:14 GMT+7

Việt Nam: Điểm đến triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam với chủ đề “Việt Nam: Điểm đến triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu” được tổ chức chiều 29/10/2023.
Hội nghị được chia ra làm hai phiên: Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam; Chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Trong phiên thứ nhất, những chủ đề “Tổng quan ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và một số cơ hội cho Việt Nam”, “Xu hướng chuyển dịch bán dẫn thế giới và cơ hội cho Việt Nam”, “Lộ trình tăng trưởng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam” và “Sự phức tạp trong thiết kế vi mạch sau kỷ nguyên Moore: Cơ hội cho Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” đã lần lượt được các chuyên gia đầu ngành tới từ Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), BCG Hàn Quốc, Qualcom, Cadence, Amkor chia sẻ.
Tại phiên thứ hai, bà Linda Tan, Hiệp hội công nghệ bán dẫn Đông Nam Á (Semi SEA) chia sẻ về nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chiến lược này gồm: “Mô hình trung tâm đào tạo và ươm tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam” và “Hình thành các chương trình đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam”.
 
Các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận. 
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như  các Đại học: Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bách Khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn: Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Trong khuôn khổ Hội nghị, lễ ra mắt Mạng lưới bán dẫn Việt Nam đã diễn ra. Đây được xem như một bước tiến mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
 
Lễ ra mắt Mạng lưới bán dẫn Việt Nam. 
Mạng lưới bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.
 
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1432

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)