Thứ tư, 08/11/2023 16:28 GMT+7

Thực trạng và định hướng phát triển KH&CN lĩnh vực năng lượng

Mới đây, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.05/21-30 phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc tổ chức Hội thảo “Thực trạng và định hướng phát triển khoa học và công nghệ lĩnh vực năng lượng” với mục tiêu nắm bắt được nhu cầu và khả năng đáp ứng công nghệ của các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học, từ đó xây dựng được các nhiệm vụ có tính khả thi, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình KC.05/21-30.
 
PGS.TS. Lê Minh Phương, Thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.05/21-30 phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Minh Phương, đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình KC.05/21-30 đưa ra 05 định hướng phát triển KH&CN lĩnh vực năng lượng giai đoạn 2021-2030, cụ thể là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp, mặt trời, gió, sinh khối và một số dạng năng lượng mới khác; phát triển, hiện đại hóa hệ thống điện, các giải pháp nâng cao an ninh, an toàn, độ tin cậy hệ thống và chất lượng điện, thiết bị lưu trữ năng lượng tiên tiến, thân thiện với môi trường, áp dụng các công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; vận hành an toàn hiệu quả lò phản ứng hạt nhân, nghiên cứu công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ…
 
  
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật phát biểu tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật cho biết, doanh nghiệp có thể đề xuất tham gia chương trình để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Nhà khoa học tham vấn chuyên môn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng các nhiệm vụ phù hợp với các tiêu chí, khung chương trình đề ra. Ban chủ nhiệm chương trình có trách nhiệm cùng với doanh nghiệp, nhà khoa học, viện trường hoàn thiện đề xuất để triển khai.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận về dầu khí trong kỷ nguyên 4.0; xu hướng tích hợp năng lượng tái tạo và đào tạo nguồn lực cho ngành điện; sự phát triển ứng dụng bức xạ trong những năm gần đây, định hướng ưu tiên đến năm 2035; định hướng phát triển và quản lý vận hành các nguồn điện phân tán tại thành phố Hồ Chí Minh; giải pháp chiếu sáng thông minh toàn diện của điện quang…
 
PGS.TS. Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phát biểu tại Hội thảo.
Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, hợp tác cùng doanh nghiệp, viện, trường. Ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tín Thành cho rằng, nên kết hợp giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên cần có cơ chế giao doanh nghiệp trực tiếp thực hiện, các nhà khoa học tham gia để định hướng chuyên môn. 
PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh nguồn nhân lực có vai trò then chốt. Trong đó, nhân lực chất lượng cao cần được đào tạo từ các chương trình có tính liên và xuyên ngành, sự phối hợp giữa đơn vị đào tạo và sử dụng lao động. 

Nguồn: Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước

Lượt xem: 868

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)