Thứ năm, 23/11/2023 15:16 GMT+7

Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ và Dịch vụ thông tin hỗ trợ đổi mới sáng tạo

Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về khoa học và công nghệ (KH&CN) được xem là hạ tầng dữ liệu quan trọng trong lĩnh vực KH&CN, là nền tảng để kết nối, tích hợp các dữ liệu của ngành KH&CN, giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tiếp cận được thông tin, dữ liệu về KH&CN, góp phần minh bạch hóa hoạt động KH&CN, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Đó là khẳng định của ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN và Dịch vụ thông tin thông minh hỗ trợ ĐMST” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 22/11/2023.
Sự kiện do Cục Thông tin KH&CN quốc gia (NASATI) phối hợp với Viện Thông tin KH&CN Hàn Quốc (KISTI) trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc tổ chức.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Đắc Hiến cho biết: với các yêu cầu mới đặt ra về kết nối và chia sẻ dữ liệu, việc xây dựng CSDL quốc gia về KH&CN trở nên cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và gắn liền với công tác quản lý khoa học ở cấp quốc gia, bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, để xây dựng được CSDL quốc gia về KH&CN thống nhất, toàn diện và đầy đủ đòi hỏi phải có sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp xây dựng CSDL và sự phối hợp của các cơ quan quản lý, cơ quan thông tin và cán bộ nghiên cứu trên cả nước.  
Bên cạnh CSDL quốc gia về KH&CN, việc phát triển và cung cấp các dịch vụ thông tin hỗ trợ ĐMST cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thông tin KH&CN. Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra giá trị to lớn của dữ liệu, hầu hết các tổ chức thường gặp khó khăn trong việc sử dụng dữ liệu do thiếu chuyên gia phân tích, cơ sở hạ tầng không đầy đủ hoặc không có các công cụ phân tích dữ liệu lớn phù hợp. Do đó, tại Hội thảo, các chuyên gia sẽ giới thiệu đến các viện, trường, đặc biệt là doanh nghiệp, những công cụ phân tích thông tin thông minh hỗ trợ cho hoạt động ĐMST, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hội thảo là sự tiếp nối thành công của Khóa họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (JCM9) diễn ra vào tháng 10 vừa qua. Theo đó, hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về thông tin KH&CN, chuyển giao các hệ thống phân tích thông tin tiên tiến của Hàn Quốc cho Việt Nam.
 
Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo.
Bà Eun - Sun Kim, Giám đốc Phân tích Dữ liệu, KISTI cho biết: Trong thời gian qua, nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam thúc đẩy hoạt động ĐMST thông qua việc sử dụng các công cụ phân tích công nghệ dựa trên dữ liệu lớn, NASATI và KISTI phối hợp triển khai Hệ thống phân tích thông tin công nghệ phiên bản tiếng Việt (V-COMPAS). Đây là công cụ hữu ích giúp xây dựng chính sách phát triển KH&CN phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. V-COMPAS giúp các nhà chính sách, quản lý đánh giá được hiện trạng KH&CN của đất nước, xu thế phát triển của thế giới, phân tích được các tiềm năng và triển vọng của từng ngành, lĩnh vực, từ đó đề ra các chính sách phù hợp. 
 
Bà Eun - Sun Kim, Giám đốc Phân tích Dữ liệu, KISTI phát biểu.
Ông Hyuck Jai Lee, Giám đốc dự án V-COMPAS cho biết: V-COMPAS giúp phát hiện và phân tích hoạt động thông tin công nghệ toàn cầu thông qua đánh giá các tài liệu về sáng chế, bài báo khoa học. Hệ thống hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình tìm kiếm dữ liệu và ra quyết định liên quan đến công nghệ, giúp đơn vị quản lý phân tích thông tin, so sánh khách quan xu hướng công nghệ, công nghiệp, thị trường; giám sát và phản ứng với công nghệ cạnh tranh. 
 
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ những kinh nghiệm của Hàn Quốc và Việt Nam trong việc phát triển dịch vụ tư vấn và phân tích thông tin nhằm hỗ trợ cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đánh giá hiện trạng và xu hướng phát triển công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, hỗ trợ hoạch định chính sách, định hướng nghiên cứu và quyết định đầu tư công nghệ…
 
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2210

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)