Thứ ba, 28/11/2023 14:35 GMT+7

Việt Nam - Brazil: KH,CN&ĐMST là trụ cột quan trọng trong hợp tác song phương

Thời gian tới, Việt Nam và Brazil sẽ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên gồm: chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, biến đổi khí hậu, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn…
Sáng 27/11/2023, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã diễn ra Hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) Brazil nhằm thảo luận, thống nhất về kế hoạch cụ thể hóa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực KH,CN&ĐMST.
Tham dự Hội đàm, về phía Brazil có bà Luciana Santos, Bộ trưởng Bộ KH,CN&ĐMST Brazil; ông Marco Farani, Đại sứ Brazil tại Hà Nội; đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&ĐMST Brazil. Về phía Việt Nam có ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN Việt Nam.
Hội đàm cấp Bộ trưởng về KH,CN&ĐMST giữa Việt Nam và Brazil.
Cam kết tăng cường hợp tác KH,CN&ĐMST
Tại Hội đàm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Brazil không ngừng phát triển kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 34 năm. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển hiện nay, hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực và phát triển là vấn đề mà tất cả các quốc gia đều quan tâm.
Bộ trưởng Hùynh Thành Đạt cho biết, trong chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính vào tháng 9/2023, Lãnh đạo hai nước luôn khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương, trong đó KH,CN&ĐMST được coi là một trong những trụ cột quan trọng ưu tiên thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
“KH,CN&ĐMST ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Brazil và Việt Nam. Hiệp định về hợp tác KH&CN Việt Nam - Brazil năm 2008 là một dấu ấn quan trọng cho hai nước, đặt nền tảng pháp lý cho các hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai nước trên lĩnh vực quan trọng này. Do vậy, Hội đàm là cơ hội quý báu để hai bên cùng tìm hiểu về hệ thống chính sách phát triển KH,CN&ĐMST cũng như thảo luận về kế hoạch, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội đàm.
Bà Luciana Santos, Bộ trưởng Bộ KH,CN&ĐMST Brazil cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Bộ KH&CN Việt Nam và chúc mừng những kết quả Việt Nam đạt được trong thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST quốc gia, kết nối nghiên cứu cũng như xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những tiến bộ về kinh tế - xã hội, KH&CN của Việt Nam trong thập kỷ qua rất ấn tượng. Với 100 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam có những mục tiêu và thách thức tương tự như Brazil, điều này góp phần thúc đẩy hành động chung giữa hai nước về các vấn đề được quan tâm. Trước tình hình địa chính trị hiện nay, đòi hỏi hai nước cần tăng cường hợp tác quốc tế sâu sắc hơn nữa. Trong bối cảnh đó, hai nước đang tích cực củng cố quan hệ truyền thống và tìm kiếm các đối tác mới. Bà Luciana Santos nhận định, Brazil và Việt Nam có nhiều triển vọng về hợp tác KH,CN&ĐMST, trong đó có thể thực hiện thúc đẩy các sáng kiến chung về chuyển đổi số, chiến lược công nghệ bán dẫn, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và môi trường, tập trung vào các công ty khởi nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu, Brazil triển khai tái khởi động dự án Trung tâm Công nghệ điện tử tiên tiến quốc gia S.A-Ceitec, đơn vị phát triển và sản xuất chip quốc gia. Theo bà, việc hợp tác với Việt Nam có thể tạo cơ hội cho cả hai quốc gia tìm kiếm cơ hội và vai trò trong chuỗi linh kiện bán dẫn và linh kiện tiên tiến toàn cầu.
 
Bà Luciana Santos, Bộ trưởng Bộ KH,CN&ĐMST Brazil.
Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên
Trong khuôn khổ Hội đàm đã diễn ra ba phiên thảo luận chuyên đề về công nghệ mới nổi, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu chung. Bộ KH&CN Việt Nam đã trao đổi về kế hoạch cụ thể hóa các cơ chế thích hợp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về KH,CN&ĐMST cũng như đề xuất những biện pháp nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của các hoạt động hợp tác trong thời gian tới. Bộ KH,CN&ĐMST Brazil đã chia sẻ về tình hình triển khai các chính sách về KH,CN&ĐMST cũng như những hoạt động nghiên cứu cụ thể đang triển khai. 
Phần thảo luận đầu tiên với chủ đề “Các công nghệ mới nổi” là các bài trình bày về tình hình phát triển của các công nghệ mới nổi tại Việt Nam và Brazil, các chính sách đang được triển khai và các hướng nghiên cứu đang ưu tiên phát triển. Ông André Rafael Costa e Silva, Điều phối viên Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới kỹ thuật số Brazil đã chia sẻ các thông tin cập nhật về tình hình phát triển các công nghệ mới nổi tại Brazil thông qua các nội dung về “Chuỗi khối Blockchain, Công nghệ lượng tử, Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ sinh học” và “Vấn đề phát triển ngành bán dẫn tại Brazil”. 
Ông André Rafael Costa e Silva cho biết, Brazil có nhiều chính sách đang được triển khai và các hướng nghiên cứu ưu tiên phát triển. Với lĩnh vực công nghệ lượng tử, các trung tâm nghiên cứu chất lượng cao giữ vai trò chiến lược. Hiện có tới 800 trung tâm nghiên cứu với công nghệ tiên tiến, đặc biệt chú trọng tới nghiên cứu và phát triển (R&D). Về trí tuệ nhân tạo, Brazil có chiến lược riêng, gọi là EBIA, thực hiện triển khai 73 dự án về trí tuệ nhân tạo. Các trung tâm kết nối nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thiết kế sản phẩm ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp. Các công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ bán dẫn cũng được thực hiện. 
Các diễn giả phía Việt Nam đã cung cấp thông tin về những chính sách và hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Thông tin về lĩnh vực công nghệ bán dẫn, ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có hơn 5.000 kỹ sư và hơn 50 doanh nghiệp lĩnh vực này, trong đó tập trung thiết kế bán dẫn phân bố tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp về sản xuất bán dẫn, song việc đóng góp và kiểm thử hiện đã có một số doanh nghiệp. Các hoạt động đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển một số phòng thí nghiệm liên quan chế tạo bán dẫn được triển khai tại một số đơn vị trong nước. Ông cho biết thêm, hiện Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn, Việt Nam mong muốn phát triển, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Trong phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Đổi mới sáng tạo”. Hai bên đã cùng tìm hiểu về lĩnh vực đổi mới sáng tạo như khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và Brazil, trên cơ sở đó, hai bên có thể triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này.
Phiên thảo luận ba với chủ đề “Nghiên cứu chung”, đại diện Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH,CN&ĐMST Brazil đã trình bày về: hoạt động hợp tác nghiên cứu chung của Bộ KH&CN cũng như một số đề xuất cho Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN (JCM) Việt Nam - Brazil lần đầu tiên vào năm 2024; các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu chung của Brazil. 
Ông Lý Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, Hiệp định về hợp tác KH&CN song phương Việt Nam - Brazil ký năm 2008. Theo đó, hai bên có thể cùng thảo luận để tìm ra các lĩnh vực ưu tiên phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc như: biến đổi khí hậu, đô thị hoá, công nghệ sinh học trong nông nghiệp…; xây dựng kế hoạch cụ thể trong hợp tác như tổ chức hội thảo chung hoặc đồng tài trợ dự án nghiên cứu chung để thúc đẩy hợp tác giữa các nhà khoa học của cả hai nước. 
 
Đại diện hai bên chụp ảnh tại Hội đàm.
Kết thúc Hội đàm, hai bên nhất trí với các lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian tới giữa Việt Nam và Brazil gồm: khoa học xã hội và nhân văn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Bộ KH&CN Việt Nam sẽ tài trợ cho các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam, Bộ KH,CN&ĐMST Brazil tài trợ cho các đơn vị nghiên cứu của Brazil để thực hiện các dự án nghiên cứu chung. Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN Việt Nam được giao làm đầu mối trao đổi trực tiếp với Brazil để hỗ trợ kết nối các đơn vị nghiên cứu xây dựng kế hoạch hợp tác chung và tổ chức JCM Việt Nam - Brazil vào năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hội đàm với những nội dung thiết thực, giúp hai bên có thêm nhiều thông tin về hoạt động KH,CN&ĐMST, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đồng thời phản ánh nỗ lực và quyết tâm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, đáp ứng mối quan tâm của cộng đồng khoa học và hiện thực hóa những chủ trương của Lãnh đạo cấp cao hai nước. 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác Quốc tế

Lượt xem: 1554

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)